Lục Chiêm vừa lên xe ngựa bất chợt hắt xì một tiếng.
Nhìn sắc trời, ánh nắng dào dạt.
Hắn quay đầu, nhìn lại một lượt thôn xóm đằng sau. Lúc đầu hắn cho rằng bản thân bồi thường tám mươi lượng bạc đã coi như rất thành tâm. Chỉ cần Tống Tương nhận lấy, như vậy từ nay về sau hắn có thể cùng nàng mỗi người một ngả mà trong lòng sẽ yên tâm, không còn chịu bất cứ gánh nặng nào. Nhưng hắn không ngờ nàng không nói không rằng, bỏ mặc hắn đi vào trong nhà.
Lục Chiêm nhớ lại biểu cảm, ánh mắt của nàng, trong lòng luôn có cảm giác như bản thân chỉ là một tên hề trước mặt nàng mà thôi.
Thật ra Lục Chiêm cũng không hề cảm thấy bản thân bị mạo phạm. Ở kiếp trước, nàng cũng bị thánh chỉ kia trói buộc suốt bảy năm, sau đó lại sinh cho hắn hai đứa con, đến cuối cùng còn biến thành góa phụ bởi hắn đã chết mất xác ở bên ngoài, chỉ riêng mấy việc này thôi cũng khiến hắn không cách nào trách tội nàng. Chưa kể hắn là một người đàn ông, nói cho cùng cũng phải rộng lượng hơn mới đúng. Chẳng qua hắn chỉ thấy nghi hoặc là, vì sao kiếp này nàng lại thay đổi như vậy?
Kiếp trước, để không cho nàng có hy vọng hão huyền, hắn vẫn luôn duy trì một khoảng cách nhất định với nàng. Dù bị hắn thờ ơ, nhưng nàng cũng chưa từng có thái độ gay gắt như ban nãy bao giờ.
Trên suốt chặng đường về phủ, chân mày Lục Chiêm chưa từng thôi nhíu lại.
Tống Tương không chịu nhận tiền của hắn, chuyện này giống như một hòn đá vẫn treo trong lòng hắn, khiến hắn không thể nào yên tâm được. Hắn lại dặn dò Trọng Hoa: “Sau khi về phủ, không cần nhắc tới chuyện này với vương gia. Nếu cần tiền thì cứ lấy từ tư khố của ta.”
Nói xong, hắn lại nhắc thêm một câu: “Cố gắng mau chóng chuẩn bị cho xong mấy thứ ta đã bảo, đưa tới Tống gia, cần phải khiến cô nương ấy nhận lấy. Còn nếu cô nương ấy hỏi vì sao ta đưa nhiều như vậy, ngươi cứ nói là, ngoài việc nhận lỗi, đó còn là vì phụ thân của cô nương ấy tức Tống tiên sinh lúc sinh thời là bạn cũ của vương gia nhà chúng ta.”
“Tống tiên sinh mất lúc còn trẻ, là một sự tổn thất của triều đình. Nếu đã gặp được thì tức là có duyên, ta cảm phục trước học thức và nhân phẩm của Tống tiên sinh, cho nên hy vọng có thể được thể hiện chút tấm lòng của ta mà thôi.”
Có vẻ Trọng Hoa nghe lý do này hơi khiên cưỡng: “Làm sao mà thế tử biết vương gia và phụ thân của Tống cô nương là bạn cũ?”
“Chuyện ta biết còn nhiều lắm.”
Nói rồi, Lục Chiêm thả luôn tấm màn xe xuống.
Năm đó Tống Dụ làm việc trong viện Hàn Lâm, cách hoàng đế khá gần, mà bình thường Tấn vương thường hay ra vào cung, hai người biết nhau cũng không kỳ quái. Mà cuối cùng, lý do Tấn vương thỉnh chỉ tứ hôn không phải chỉ vì nàng là ân nhân của hắn, mà có một phần còn là vì yên tâm gia thế của Tống Tương, cho nên mới cố gắng thúc đẩy cuộc hôn nhân này. Nếu như Tấn vương biết được, tất nhiên sẽ lại gặng hỏi cho ra.
Một mặt hắn phải đề phòng Tấn vương biết được, một mặt khác hắn cũng phải mau chóng trấn an nàng bởi ánh mắt của nàng lúc đóng cổng lại đúng là rất đáng sợ.
Xe ngựa rẽ vào quan đạo, cũng cách kinh thành càng lúc càng gần.
Nhìn cảnh sắc quen thuộc hai bên đường, sự thả lỏng lúc nhìn thấy một Tống Tương vẫn còn nguyên vẹn đã dần biến mất, thay vào đó là sự căng thẳng ập tới.
Chờ tới lúc thoát khỏi được cuộc hôn nhân ép buộc đó, tất nhiên hắn sẽ tận hưởng một cuộc đời hoàn toàn khác. Nhưng trước lúc đó, hắn còn có kẻ địch trong tối cần trừ bỏ. Mối thù bị ám toán lúc ở bãi săn, mối thù bị giết ở khe núi, những mối thù ở kiếp trước đó, hắn đều sẽ đòi lại cho bằng hết, hơn nữa còn là đòi lại thật nhanh chóng.
Đối với hai vị vương thúc đang ở đất phong cách kinh thành cả nghìn dặm, thậm chí là hơn nghìn dặm, bởi vì sát thủ rõ ràng là nhằm vào chính hắn mà không hề nhằm về phía Tấn vương - mục tiêu có tính uy hiếp hơn, cho nên tạm thời có thể loại trừ hai vị này.
Vậy thì còn mấy vị ở trong vương phủ...
Tấn vương có năm vị thê thiếp. Trông thì có vẻ dàn thê thiếp này không hề ít ỏi, nhưng nếu so với các vị hoàng thân quốc thích khác thì thật ra lại không tính là nhiều. Bởi vì con cháu tôn thất không thể vào triều làm quan, bởi vậy nguồn thu nhập của vương phủ đều dựa vào tiền thuế thu được từ đất phong và bổng lộc có được từ tước vị mà hoàng đế đã ban cho. Để có thể lĩnh được càng nhiều tước lộc nhằm tăng thêm thu nhập, việc con cháu tôn thất cố sinh càng nhiều đã không phải chuyện hiếm có, nhưng Tấn vương lại chỉ có tổng cộng bốn đứa con trai, ba đứa con gái.
Tấn vương phi sinh được một trai một gái, đích trưởng tử còn bé đã chết, trưởng nữ là Mẫn quận chúa đã gả cho thế tử Võ Định hầu. Vân trắc phi là do vương phi làm chủ nạp làm thiếp cho vương gia, sau lại sinh ra thứ tử Lục Diệu, thứ nữ Nhu An quận chúa. Chu trắc phi ban đầu là cơ thiếp, sau nhờ sinh được tam tử Lục Quân cho Tấn vương nên được nâng lên làm trắc phi.
Hai vị phu nhân còn lại, một vị là Nguyệt hi phu nhân đã sinh ra Tam quận chúa, còn lại Lan Hinh phu nhân chính là mẹ đẻ của Lục Chiêm, tứ tử của Tấn vương. Mười bảy năm trước, mẹ đẻ sinh khó qua đời, vừa hay vương phi đã lâu không thể mang thai, bèn nhận Lục Chiêm là đích tử.
Kiếp trước, nếu lúc này hắn để tâm hơn một ít, chỉ nhìn vào cục diện nội trạch thôi cũng có thể biết được, mọi thứ không hề đơn giản như hắn đã nghĩ.
“Thế tử, trước mặt đã là cửa thành rồi.”
Trọng Hoa gõ nhẹ lên thành xe.
Lục Chiêm thoáng suy nghĩ, sau đó ra lệnh: “Ngươi đi vào nhà nông nào đó gần đây mua một con gà lại đây.”
Trọng Hoa sửng sốt.
Gà đã mua về tới nơi.
Lục Chiêm cầm vào thùng xe, giơ kiếm cắt ngay cổ con gà, máu gà bắn hết lên phần bụng của mình. Làm xong rồi, hắn vứt con gà ra ngoài, đồng thời căn dặn: “Đến cửa thành, nếu có ai tới hỏi thì cứ nói là ta bị thương nặng ở bụng, cần quay về phủ gấp.”
Hắn chỉ bị thương ở chân, nắn xương lại rồi sử dụng thêm thuốc của thái y nữa, chỉ mười ngày nửa tháng là có thể đi lại như thường. Nhưng đáng lẽ hắn đã phải về phủ từ sáng sớm nay, vậy mà kéo dài tới tận lúc mặt trời xuống núi mới về thành, chắc chắn sẽ có người đứng dưới cửa thành chờ sẵn.
Hắn dặn dò Trọng Hoa nói như vậy, một phần là để ứng phó với tướng lĩnh trông coi cửa thành, nhưng chủ yếu là hắn muốn xem thử sau khi tin hắn bị “trọng thương” để lộ, một vài người nào đó sẽ có phản ứng như thế nào.
Đi vào vương phủ, Lục Chiêm ngồi trên xe ngựa, trong lúc chờ đám thị vệ đi khiêng nhuyễn kiệu* tới, hắn quan sát bức bình phong có hình cửu long phía trong cửa Đoan Lễ.
* Nhuyễn kiệu: thường chỉ loại kiệu được sử dụng các loại vải dệt cao cấp để làm rèm che, làm đệm lót cho người ngồi trong kiệu.
Ba mươi sáu năm trước, hoàng đế tiến hành tự vệ cũng như phản kích thành công ngay bên ngoài cửa Thần Võ, bởi vậy Thái tổ khâm định làm quân vương đời tiếp theo. Từ lúc đăng cơ đến nay, dân chúng có cuộc sống dư dả, quốc khố đầy ắp, giang sơn cũng yên ổn, quốc thái dân an, những điều này đều đã được người đời công nhận.
Tấn vương cũng giống như các vị hoàng tử khác, tuy rằng không nắm giữ quyền chức cố định ở trong triều, nhưng cách ba, năm ngày, hoàng đế lại giao việc cho làm, ví dụ như quản lý việc xây dựng hoàng lăng, đi tuần tra con đường vận chuyển lương thực, hoặc là tới biên quan cổ vũ tướng sĩ. Mỗi một việc người đều cố gắng làm được sao cho hoàng đế hài lòng, riêng việc này đã thể hiện được thực lực của người giỏi hơn nhiều so với các vị khác.
Mặt khác, người cũng hiểu đạo lý minh triết bảo thân (bo bo giữ mình), bởi vậy càng nhận được nhiều ân sủng, càng nhận được sự khẳng định, người lại càng không tự cao tự đại, ra vẻ ta đây. Ngay cả hai vị trắc phi cũng là con cái nhà quan lại bình thường. Có thể nói, cho dù là trong cung hay trên triều đình, người đều được mọi người khen ngợi không thôi.
Cho nên, ở cả Đại Lương này, Tấn vương phủ cũng được coi là dòng dõi quý tộc xuất sắc nhất. Mà bức phù điêu này chính là lễ vật mà hoàng đế ban cho Tấn vương nhân sinh thần ba mươi tuổi.
Kiếp trước, khi hắn cưới Tống Tương, trước hết cũng đã tiến hành khấu đầu trước bức bình phong này, tiếp nhận thánh chỉ, sau đó mới vào đại điện để bái đường.
“Tứ đệ!”
Từ cánh cổng phía sau bức bình phong, một hàng người bước ra, dẫn đầu là một người mặc quần áo hoa lệ, đầu đội kim quan, khuôn mặt có hai, ba phần tương tự với Lục Chiêm, trên tiền khâm (vạt áo) của người này thêu hình kim long bốn móng. Theo động tác của y, hình kim long phản chiếu lại ánh nắng chiều, lấp lánh tựa như những viên ngói lưu ly trên mái nhà.