Tần Miêu sợ hãi hỏi: “Tô Hòa, đã muộn thế này rồi, cậu còn đi đâu? Cậu ngủ tạm ở giường của tớ một đêm đi, hai chúng ta đều gầy, chắc sẽ ngủ chung được.”
Tô Hòa cười nhạt, quả là chỉ có Tần Miêu tốt tính.
“Không cần đâu, tớ đến phòng khám ngủ. Các cậu nghỉ sớm một chút, sáng mai còn phải thi đấy.”
Tô Hòa phải đến phòng khám một chuyến. Kiếp trước cô đã chen chúc với Tần Miêu một đêm, không ngờ hôm sau Trương Xuân Hoa đã kéo viện binh đến, không chỉ chụp cho cô cái mũ “tư tưởng, đạo đức bại hoại”, mà còn khiến Đại học Long Thành đuổi học cô, hủy hoại tương lai của cô dễ như trở bàn tay.
Thậm chí Tô Hòa còn nghi ngờ, cô bị bắt cóc bán sang bờ đại dương bên kia cũng do cả nhà Trương Xuân Hoa ném đá giấu tay.
Vừa ra đến cửa, Tô Hòa dừng bước, quay người lại hỏi các bạn cùng phòng một câu: “Các cậu đều thấy ai là người gây sự trước, ai là người bắt nạt người khác trước kể từ khi chuyển vào phòng này rồi đấy.”
Mặt Tô Hòa như phủ băng, gió lạnh lọt qua khe cửa, thổi vù vù vào trong phòng, khiến những người ở trong phòng liên tục cam đoan: “Bọn tớ biết mà. Tô Hòa, cậu mau đến phòng khám đi, lát nữa bác sĩ ở phòng khám đóng cửa thì không kịp đâu.”
Tô Hòa gật đầu, xoay người rời đi.
Cả phòng lâm vào yên lặng, một lúc lâu sau, cô gái phủ chăn đệm lên giường của Tô Hòa mới nói: “Thật ra Tô Hòa cũng đáng thương lắm. Các cậu quên lúc nhập học rồi à? Dù gì cũng có người đưa chúng ta nhập học, còn Tô Hòa phải tự đi, đến cả giường chiếu, chăn đệm cũng ghi nợ với nhà trường, chứ đừng nói đến phích nước nóng. Nếu không phải trường phát tiền trợ cấp mỗi tháng, tự cậu ấy còn làm thêm ở phòng khám, thì sao có thể mua từng món đồ được... Trương Xuân Hoa lại ỷ có bố mẹ làm ông bà chủ mà chuyên đi bắt nạt người nghèo.”
Tần Miêu ngủ ở giường trên, ngẩng đầu là thấy được tình hình của cả phòng. Cô nhìn chằm chằm giường chiếu còn chưa bay hết hơi nóng, nhìn một lúc lâu rồi buồn bã nói: “Dù Tô Hòa làm gì cũng dữ dằn, nhưng lúc không ai chọc đến cậu ấy, cậu ấy có dữ dằn với ai đâu? Mỗi lần thi trước đó, cậu ấy còn cho chúng ta mượn vở nữa...”
Có người vừa nhắc đến chuyện này, sáu cô gái còn lại cũng thi nhau hùa vào, cậu một câu, tớ một câu, vừa phàn nàn về Trương Xuân Hoa, vừa đồng tình với Tô Hòa, càng nói chuyện càng không thấy buồn ngủ. Mà lúc này, tòa nhà ký túc xá cách âm lại càng kém, một phòng nói chuyện là hàng xóm ở tầng trên tầng dưới cũng đừng nghĩ đến chuyện ngủ.
Nếu là bình thường thì không sao, không chừng phòng bên cạnh còn áp vào tường nghe vài câu, tiện thể chêm vào mấy câu. Nhưng hôm sau là ngày thi môn cuối cùng của kỳ này, nào có ai dám thức đêm?
Mỗi cô gái đều có chuyện để nói khi nhắc đến Trương Xuân Hoa ngang ngược, thậm chí càng nói càng bực, lúc đầu còn đè giọng xuống nhưng lúc sau đã nói oang oang, khiến mấy cô bạn ngủ ở tầng dưới phải đứng lên giường, cầm cán cây lau nhà chọc lên trần nhà mấy lần. Lúc này, sáu cô gái mới nhận ra rằng mình làm phiền tới người khác, sau khi than thở vài tiếng thì vội vàng trùm chăn đi ngủ.
Lúc Tô Hòa tới phòng bệnh thì bác sĩ Trương Khánh Dân vẫn chưa ngủ, đang chong đèn nằm bò ra bàn sách xem bệnh án.
Trương Khánh Dân thấy Tô Hòa đội tuyết bước vào, thì đẩy kính lão hỏi Tô Hòa: “Ngày mai cháu phải thi mà? Đêm hôm khuya khoắt không ngủ đi, đến chỗ bác làm gì?”
Tô Hòa đặt phích nước nóng xuống rồi kể lại sự thật, cuối cùng cô hỏi Trương Khánh Dân: “Bác Khánh Dân, cho cháu tá túc ở phòng khám một đêm được không? Mai thi xong cháu sẽ đến phòng khám hỗ trợ luôn.”
Trương Khánh Dân mỉm cười: “Ngủ ở phòng khám cái gì, vào phòng con gái bác mà ngủ. Con bé Tố du học ở nước ngoài, hai ngày trước nhờ người chuyển lời rằng việc học năm nay nặng, Tết không về nhà được. Mẹ con bé còn mới trách con gái ngoan ngoãn bị dạy thành Tây rồi, Tết mà cũng không về nhà. Cháu cứ yên tâm nghỉ ngơi đi, sáng mai bác bảo mẹ con bé Tố nấu cho cháu bát canh giúp đầu óc tỉnh táo, thoải mái đi thi.”
Bé Tố là tên ở nhà của con gái Trương Khánh Dân, tên thật là Trương Thanh Mai, ghép cả hai tên lại nghĩa là Penicillin - Thanh Mai Tố(*), nghe xong đã biết xuất thân từ gia đình ra sao.
(*) Penicillin có âm Hán Việt là Thanh Mai Tố, đây cũng là một loại kháng sinh thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus và kháng nấm.
Tô Hòa nói cảm ơn rồi cầm theo phích nước nóng bước lên cầu thang gỗ hẹp nối lên tầng hai, đi về phía căn phòng của Trương Thanh Mai. Cô ngửi thấy mùi khét thì hơi hít vào rồi hỏi dò Trương Khánh Dân: “Bác Khánh Dân, lửa để sắc thuốc này hơi to, mau bắc xuống đi ạ, để thêm chút nữa là không dùng được.”
Trương Khánh Dân bỏ bệnh án trong tay xuống, vội vội vàng vàng chạy ra sân sau. Chỉ chốc lát sau, tiếng hô của ông ấy đã truyền tới tai của Tô Hòa.
“Cái bà vô dụng này, bảo bà sắc chút thuốc mà cũng ngủ được, may mà con bé Tô nhắc tôi, nếu không thì nồi thuốc này bị bà làm hỏng rồi.”
Bác gái không phục: “Được, tôi vô dụng, vậy ông làm đi! Tôi đi hỏi xem con bé Tô đã ăn cơm chưa? Trong nồi vẫn còn cháo, nếu con bé chưa ăn thì tôi hâm lên cho nó.”
Tô Hòa ngồi vào bàn mở sách ra, bắt đầu ôn tập. Tuy từng học rồi, nhưng cô bị bán sang bờ đại dương bên kia nhiều năm như vậy, về sau lại bị chiếc chìa khóa làm cho u mê, không biết đã trải qua bao nhiêu đời người, những gì học được trước đó cũng đã quên hết.
“Vật lý y khoa.”
Tô Hòa lật từng trang từng trang một và đặt bút viết giấy ghi chép, sau đó đọc qua sách giáo khoa nhanh như gió rồi kinh ngạc phát hiện hình như trí nhớ còn tốt hơn kiếp trước nhiều. Cô chỉ cần tưởng tượng từ những câu chữ trong sách giáo khoa thì trong đầu đã hiện lên hình ảnh tương ứng, thậm chí còn nhớ ra cả một vài thiết bị y tế mà sách giáo khoa nhắc đến.
“Không phải là làm nghề này ở kiếp nào đấy chứ?”
Tô Hòa cau mày suy nghĩ một lúc lâu, nhưng vẫn không nhớ ra được điều gì. Thời gian cô ở lại núi Dược Vương dài đằng đẵng, rất nhiều chuyện trải qua trước đó cũng bị thời gian làm phai mờ và ký ức trở nên vụn vặt.
Chưa đọc được mấy trang sách, Tô Hòa đột nhiên cảnh giác thoáng nhìn về phía cửa sổ. Tấm rèm được kéo lại kín mít, không nhìn thấy gì cả, nhưng Tô Hòa tin rằng cảm giác của mình không sai.
Cô đi đến trước cửa sổ, vén rèm lên một chút, nghiêng người nhìn xuống dưới nhà thì thấy mấy người đàn ông đang đấm đá vào một bao tải trong đêm tối.
Bác gái đẩy cửa tiến vào, khi thấy Tô Hòa đang đứng nhìn ra ngoài cửa sổ thì vẻ mặt hơi thay đổi, vội vàng nói: “Kéo rèm vào nhanh lên, đừng để người bên ngoài nhìn thấy.”
Tô Hòa buông tay giữ góc rèm cửa ra, khi thấy bác gái khập khiễng bê nồi đến thì vội vàng nói: “Không phải phiền bác đâu ạ, cháu ăn ở trường rồi. Chân bác thế nào rồi?”
“Không sao, bệnh từ thời còn trẻ chưa trị dứt, đến ngày mưa ngày tuyết lại đau đầu gối, trời tạnh thì sẽ hết thôi. Mấy ngày nay ngoài đường loạn lắm, có nhiều người buôn đồ đến từ phía Nam, mấy tên lưu manh biết những người kia có tiền, đã cướp tiền của người ta còn trùm bao tải lên đánh đập. Phòng bệnh tiếp nhiều người buôn bán bị đánh lắm rồi, không chừng bên ngoài lại là người xui xẻo nào bị đánh đấy, lát nữa bảo bác Khánh Dân của cháu ra xem một chút, cứu được thì cứu người ta. Trời tuyết dày thế này, nếu chúng ta ở trong phòng khám không màng đến, không biết người ta có sống qua được đêm nay không. Ôi... rốt cuộc trời tuyết khiến người ta ghét này còn rơi bao lâu đây, không ngừng nữa thì có khi đường cũng chẳng đi nổi mất.”
Bác gái dùng nắm đấm đấm đầu gối, vẻ mặt không thoải mái lắm.
Tô Hòa lại đến nhìn thoáng qua rèm cửa kia, trong lòng như có cỏ mọc lan tràn không thoải mái chút nào, cô nói với bác gái: “Bác gái, bác nghỉ một chút đi, cháu xuống lấy túi sưởi lên đắp một chút. Cháu nhớ từng thấy một đơn thuốc trị chứng chân lạnh trong sách, để cháu xem có kiếm được đủ dược liệu trong phòng khám không.”
Bác gái nghe Tô Hòa nói có đơn thuốc trị chân lạnh thì vốn nuôi chút hy vọng, nhưng vừa nghe đến chữ “dược liệu” thì lại ỉu xìu: “Thuốc Đông y có tác dụng gì đâu? Bây giờ thuốc Tây phổ biến rồi, chẳng phải nhà văn nổi tiếng kia từng nói thuốc Đông y là bánh bao tẩm máu người hay sao.”(*)
(*) Bánh bao tẩm máu người (chi tiết này được khai thác trong tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn): Trước đây dân gian mê tín, cho rằng máu người có thể trị bệnh lao; hay lúc hành quyết phạm nhân, sẽ có người mua bánh bao tẩm máu tử tù từ đao phủ để chữa bệnh. Ở đây ví thuốc Đông y như bánh bao tẩm máu người ý chỉ thuốc này chỉ là mê tín, không có tác dụng.
Tô Hòa: “...” Ăn dược liệu trên núi Dược Vương còn trẻ mãi không già nữa là? Sao dược liệu lại không dùng được!
Đây chẳng phải đang nghi ngờ khả năng của Dược Hoàng cô hay sao?