Hôm nay, bà Lan đến bệnh viện thăm “ông sui” tương lai. Bà mang theo một lẵng hoa to và một giỏ trái cây làm quà. Ông Anh rất thích vải thiều - đặc sản của quê hương ông. Bà Lan biết vậy nên đã đặc biệt chuẩn bị.
Cánh cửa phòng bệnh đóng kín, gia đình ông Anh đang trò chuyện. Trí đo huyết áp cho bố. Tâm trạng cậu đã thoải mái hơn nhiều vì sức khỏe của bố đang hồi phục tốt.
“Cốc … cốc ...cốc.”
Bà Đào nhìn ra cửa rồi ra hiệu cho Anne.
“Con ra xem ai đến.”
Anne gật đầu tiến về phía cửa. Cánh cửa từ từ mở ra. Anne vui mừng hớn hở.
“Bác đến chơi sao không báo trước để cháu ra đón.”
Bà Lan đưa lẵng hoa và giỏ trái cây trên tay cho Anne. Bà tươi cười chào hai vợ chồng ông Anh. Bà có chút ngạc nhiên khi thấy bác sĩ cũng đang ở trong phòng.
“Không cần đâu cháu. Cháu phải ở bên cạnh chăm sóc cho bố. Bác tự đến được mà.”
Bà Lan nhìn cô gái trước mặt với ánh mắt dịu dàng và thấu hiểu. Bà hiểu chăm sóc người bệnh vất vả thế nào. Mẹ bà trước lúc mất cũng có một khoảng thời gian dài nằm liệt giường.
Bà Đào đứng dậy giới thiệu con trai và mời bà Lan ngồi xuống ghế sô pha. Trí đỡ bố ngồi dậy lưng tựa vào thành giường. Cậu khẽ kê cao chiếc gối để bố đỡ đau lưng.
“Nghe tin anh nằm viện điều trị nhưng vì đang đi công tác nước ngoài nên không thể đến sớm hơn. Mong anh chị thông cảm.”
“Chị lại khách sáo rồi. Công việc ai cũng có. Người thành công như chị lại càng nhiều việc hơn nhưng cậu Long hôm nay không đến cùng chị sao?”
Ông Anh vừa nói vừa thăm dò thái độ của bà Lan. Nghe bố nhắc đến chàng trai cô thương, Anne vội vàng bỏ lỡ những bông hoa cuối cùng trước khi cắm vào bình. Cô hướng ánh nhìn về phía cửa, ánh mắt hiện lên nỗi thất vọng.
Ông Anh rất không vui vì thái độ của Long ở bữa tiệc hôm trước lại thêm chuyện ông nằm viện đã nhiều ngày nhưng bóng dáng “chàng rể tương lại” lại không thấy đâu, đến một cuộc gọi hỏi thăm cũng không có. Con gái ông là cành vàng lá ngọc đâu thể dễ dàng để người khác thương tổn.
Dường như hiểu được tâm tư của nhà “sui gia”, bà Lan cười nhẹ nhàng và nói đỡ cho con trai.
“Con trai tôi mới mở văn phòng thiết kế riêng nên công việc lúc này rất bận rộn. Nó nhận được rất nhiều đơn từ các khách hàng lớn trong và ngoài nước. Nhưng nó sẽ sắp xếp thời gian để sớm đến thăm anh.”
Ông Anh chăm chú lắng nghe những gì bà Lan đang nói. Ông khẽ nhếch mép tỏ thái độ không hài lòng.
“Chị nói sao thì tôi nghe vậy. Còn có phải hay không chỉ lòng con trai chị hiểu?”
Bà Lan ngượng ngùng trước những lời vừa nãy của bố Anne. Bởi lẽ sự tình thế này bà đã hiểu rất rõ. Những lời bà vừa nói chẳng qua chỉ là “múa rìu qua mắt thợ”. Đứng trước một người đàn ông từng trải quả thật bà Lan chẳng có cách nào bào chữa cho con trai.
“Kìa bố!”
Anne vẫn đang chăm chú theo dõi cuộc trò chuyện của phụ huynh hai bên. Cô sợ bố giận sẽ nói những lời khó nghe. Vì tính bố cô xưa nay bộc trực, không nói những lời vòng vo.
Ông Anh vì thương con gái nên không muốn tiếp tục. Ông quay sang tủ đầu giường, đón lấy những viên thuốc từ con trai rồi nhấp một ngụm nước. Ông khẽ khép mi để giấc ngủ đến thật nhẹ nhàng.
Bà Đào gượng cười rồi thay chồng tiếp tục cuộc trò chuyện. Không khí ngại ngùng cứ vây lấy họ. Hai người chủ yếu trao đổi các vấn đề liên quan đến sức khỏe ông Anh và công việc làm ăn của hai gia đình.
Bà Đào hiểu rất rõ tính cách của chồng mình. Bởi họ là vợ chồng tào khang, gắn bó với nhau từ khi còn tay trắng. Những lúc ông Anh nóng giận bà luôn là người ở bên cạnh khuyên nhủ và đưa ra những ý kiến khôn khéo để công việc làm ăn của chồng luôn thuận lợi. Có thể nói việc gặp được bà Đào là một may mắn lớn trong cuộc đời ông Anh.
Hai người phụ nữ rất hiểu nhau và chẳng hề kém cạnh nhau. Từng lời nói, cử chỉ, ánh mắt đều toát lên sự trải đời, am hiểu và khéo léo hiếm thấy.Mẹ của Anne như đang thăm dò tâm tư của người phụ nữ đối diện mình.
“Bây giờ cũng muộn rồi, tôi xin phép về công ty còn có việc. Khi nào có thời gian tôi lại đến thăm anh chị.”
Sau gần một giờ đồng hồ trò chuyện, bà Lan không giấu được sự nôn nóng mà xin phép ra về. Bà Đào dặn con trai tiễn bà Lan. Sau khi bà Lan đi khỏi, Bà Đào đã hỏi Anne chuyện tình cảm của cô và Long. Anne ấp úng nửa nói nửa không. Bà Đào trong lòng dự cảm chuyện chẳng lành, sắc mặt trầm xuống, lo lắng và bất an.
Đi được một đoạn hành lang dài, bà Lan dặn dò Trí chăm sóc tốt cho bố cậu. Bỗng điện thoại của bà Lan có cuộc gọi đến. Bà mở túi xách lấy máy ra thì vô tình va vào một người đi ngược lại. Chiếc điện thoại rơi xuống trước mặt. Trí khom người nhặt điện thoại giúp.
Khi cúi xuống cậu vô tình để lộ vết bớt đỏ sau gáy. Vết bớt đó đã đánh thức quá khứ đau khổ mà bà Lan cố gắng lãng quên trong hơn ba mươi năm qua. Bà lặng yên nhìn chằm chằm vào chiếc cổ thanh tú của Trí như chẳng thể tin vào mắt mình.
Trí đưa điện thoại nhưng bà Lan vẫn im lặng không phản ứng. Trí rất ngạc nhiên rồi cậu phất tay gọi.
“Bác ơi! Điện thoại của bác đây.”
Bà Lan giật mình nhìn cậu con trai chững chạc, chín chắn và lịch sự trước mặt mình rồi tự mỉm cười chua xót.
“Cháu năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”
Trí khẽ mỉm cười, vui vẻ trả lời.
“Dạ, 31 rồi ạ.”
Bà Lan cười nhạt rồi suy tư như còn điều gì muốn hỏi thêm.
“Cháu là con trai lớn sao? Từ trước đến nay bác chưa từng nghe bố mẹ nhắc đến cháu?”
Như bị chạm vào nỗi đau, Trí tỏ ra thản nhiên không chút bối rối hay buồn bã. Cử chỉ nhã nhặn, từng câu từng chữ rất rõ ràng.
“Cháu không sống cùng gia đình. Cháu sang Mỹ du học đã lâu. Hơn nữa, cháu không tham gia vào công việc làm ăn của gia đình nên cũng ít người biết ạ.”
Bà Lan rất chăm chú vào cuộc trò chuyện này. Những gì Trí vừa nói bà đều ghi nhớ trong lòng.
“À, ra là thế.”
Trí hiếu kỳ vì sao một người phụ nữ mới gặp lần đầu lại quan tâm đến cuộc sống cá nhân của cậu. Cái mà bà cần quan tâm lúc này chính là bố mẹ và Anne. Một người không liên quan như cậu tốt nhất không nên đặt trong suy nghĩ.
“Sao thế hả bác? Có chuyện gì sao ạ?”
“Không có chuyện gì cả. Tiễn bác đến đây thôi. Cháu vào làm việc đi.”
Tài xế đã đợi sẵn, bà Lan lên xe ra về. Trí nhìn theo trong lòng do dự. Lần đầu tiên cậu cảm nhận được ai đó đang thật sự quan tâm đến mình. Lần sau nếu gặp lại cậu sẽ dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện.
Ngồi trong xe, bà Lan trong lòng bất an. Đi một đoạn ngắn bà ngoái đầu nhìn lại. Chàng thanh niên lúc nãy đã rời đi. Bà tự mỉm cười buồn bã rồi tự nhủ: Sao có thể như thế? Chắc đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng vết bớt của cậu lại rất giống người ấy - người mà bà đã cố quên nhưng chẳng thể quên.
Buổi tối trong căn phòng tối om vì bà Lan đã tắt hết điện. Ánh sáng từ những bóng điện ngoài sân hắt vào leo lét. Bên cửa sổ, bà Lan lặng lẽ ngắm nhìn những ngôi sao trên bầu trời. Đôi mắt buồn vời vợi với những tâm tư chẳng thể chia sẻ cùng ai.
Rất nhiều năm về trước khi còn trẻ, bà Lan đã có một mối tình rất đẹp với một cậu sinh viên cùng khóa. Tình yêu đến với bà đẹp tựa một giấc mơ. Họ thề non hẹn biển, mong ước sau khi ra trường sẽ kết hôn và bên nhau hạnh phúc mãi mãi.
Nhưng khi bà Lan biết mình mang thai thì cũng là lúc người ấy không từ mà biệt. Người đàn ông bà yêu đã rời khỏi trường và từ đó không còn nghe thấy tin tức nữa.
Bà nghỉ học ở nhà sinh con. Đã có lúc bà đau buồn, tuyệt vọng đến mức muốn tự kết liễu đời mình. Nhưng vì đứa trẻ trong bụng bà lại cố gắng sống tiếp. Đứa trẻ là tất cả những gì còn sót lại của tình đầu - oán trách, giận hờn và đau đớn đến tột cùng.
Những tưởng đứa bé sẽ cho bà động lực để vượt qua những năm tháng đau buồn nhưng đau khổ nối tiếp đau khổ. Trong một đêm mưa gió, bà trở dạ, cơn đau hành hạ. Cơ thể bà đau đớn chẳng còn chút sức lực. Sau nhiều giờ trên bàn sinh bà đã lịm đi. Khi tỉnh dậy, bà càng tuyệt vọng hơn. Ba của bà đã báo tin đứa trẻ không còn nữa. Vì sinh non, đứa trẻ quá yếu nên không giữ được.
Một cơn gió vô tình đẩy cửa sổ đập vào làm phát ra tiếng động. Bà Lan giật mình lau vội những giọt nước mắt đang tuôn trào. Bà cố gắng kìm nén nhưng đành bất lực.
Đã rất lâu rồi bà không nghĩ về nó không phải vì đã quên mà cố tình không nhắc tới. Quá khứ ấy như nhát dao cứa vào trái tim. Năm tháng qua đi vết thương dù có lành thì vẫn để lại sẹo.