Trong lúc đi xuống lầu, Nguyễn Ngọc Hà đã tra bản đồ, nhờ đó tôi mới biết nơi mà cô ta muốn đi – Đại học Giao thông Dân Khánh.
Cô ta muốn trở lại trường của mình.
Và cũng là trường của Trưởng phòng Mã.
Ra khỏi khu dân cư, lên xe buýt, rồi đổi qua tàu điện.
Toàn bộ hành trình đều rất bình yên.
Tôi chỉ có thể nghe thấy tiếng nhịp tim và cảm nhận được tâm trang hoang mang của Nguyễn Ngọc Hà.
Quãng đường hơi xa. Đại học Giao thông Dân Khánh bây giờ đã dời qua Làng Đại học ở vùng ngoài ô, bên đó có đến bảy tám ngôi trường đại học, rất nhộn nhịp.
Đại học Chính trị và Pháp luật Dân Khánh cũng ở bên đó. Điều này khiến tôi rất quen với khu vực này.
Đương nhiên, đến nơi tôi mới nhận ra, tôi chỉ quen với đường xá trong Làng Đại học mà thôi. Mới tốt nghiệp có mấy năm, mà nơi đây đã thay đổi đến chóng mặt.
Nguyễn Ngọc Hà còn lạ lẫm với nơi đây hơn.
Nhìn cổng chính của đại học Giao thông Dân Khánh, cô ta cảm thấy hoang mang.
Từ giảng đường, thư viện đến khu ký túc xá, tất cả đều là những tòa nhà mà cô ta chưa từng thấy qua. Ở đây, cô ta không tìm được bất kì một hình ảnh thân quen nào.
Cô ta cũng không vào được thư viện. Muốn vào thì sinh viên phải quét thẻ.
Sau khi loanh quanh một hồi, Nguyễn Ngọc Hà đã cảm thấy vô cùng chán nản.
Cô ta rút điện thoại ra, tra cứu điểm đến mới.
Thời gian đã trôi qua rất lâu, nhưng cô ta vẫn còn nhớ địa chỉ của ngôi trường ngày xưa. Sau khi định vị lại một lần nữa, cô ta bèn đi ngược trở lại khu trung tâm thành phố, rồi đổi xe đến nơi trước kia của đại học Giao thông Dân Khánh.
Bên này đã kiến thiết lại, biến thành một viện bảo tàng công cộng.
Tôi còn nhớ mình đã xem lễ cắt băng khánh thành viện bảo tàng trên tivi trước đây.
Nguyễn Ngọc Hà ngẩng đầu nhìn tòa nhà trước mặt.
Tòa lầu giảng đường cũ của đại học Giao thông Dân Khánh được giữ lại. Phong cách của tòa nhà này thì không có gì đáng nói, nhưng hoàn toàn không mang phong cách kiến trúc hiện đại, nên vẫn có nét đặc sắc. Có lẽ cũng vì vậy, mà nó trở thành tòa nhà duy nhất của đại học Giao thông Dân Khánh cũ được giữ lại.
Viện bảo tàng mở cửa miễn phí, sau khi thông qua kiểm tra an ninh, Nguyễn Ngọc Hà đã đi vào trong. Thời điểm này chỉ có khu triển lãm mở công khai, còn những khu khác đang đóng cửa. Lúc Nguyễn Ngọc Hà vào đã được nhân viên nhắc nhở, là sắp đến giờ họ đóng cửa rồi.
Bấy giờ Nguyễn Ngọc Hà mới cảm thấy đói. Đi rồi quay lại, suốt mấy tiếng đồng hồ cô ta vẫn chưa ăn cơm trưa.
Nhìn gian sảnh triển lãm lạ hoắc, Nguyễn Ngọc Hà vẫn như cũ có cảm giác hoang mang.
Lúc này, phần lớn cảm xúc của tôi là do được tiếp nhận từ cảm xúc của Nguyễn Ngọc Hà.
Nguyễn Ngọc Hà đang thất vọng, không biết làm sao.
Cô ta không nán lại phòng triển lãm lâu, thậm chí còn chưa xem hết vật trưng bày thì đã rời đi.
Rời khỏi viện bảo tàng, cô ta không vội về nhà mà đi lang thang trên đường.
Thế giới qua đôi mắt cô ta, hình như có đến hai cái, một của quá khứ và một của hiện tại, đang chồng chéo lên nhau.
Những hình ảnh mơ hồ ấy cũng xuất hiện trong tầm mắt tôi.
Tình trạng này kéo dài trong khoảng thời gian rất lâu.
Thời gian của cảnh mộng đã bắt đầu nhảy cóc.
Tôi nhìn thấy cô ta cầm chìa khóa trên tay, bước đi trên vỉa hè.
Đó rõ ràng là chìa khóa của nam giới, không có móc khóa trang trí, mà chỉ có một khoen chìa khóa.
Nhìn thấy chùm chìa khóa ấy thì tôi sực tỉnh trở lại, cảnh giác quan sát xung quanh.
Tim tôi đang đập rất nhanh.
Chính là hôm nay!
Cũng chính là thời điểm mà Nguyễn Ngọc Hà gặp nạn!
Tôi quét mắt nhìn quanh, nhưng chẳng nhìn thấy ma quái hay cảm thấy có âm khí gì cả.
Chuyện vẫn chưa xảy ra, hay nói cách khác, sự tình không như tôi nghĩ. Có lẽ lại một lần nữa, kiếp sống của Nguyễn Ngọc Hà sẽ kết thúc bằng một vụ tai nạn?
Tai nạn giao thông?
Tôi quay qua nhìn về phía con đường tấp nập xe cộ.
Nguyễn Ngọc Hà không hề băng qua đường, mà quẹo cua ngay.
Tôi lập tức bám theo.
Nhưng chưa đi được mấy bước, thì bước chân của tôi và Nguyễn Ngọc Hà đồng loạt khựng lại.
Chúng tôi không hẹn mà cùng nhìn về tiệm tạp hóa trước mặt.
Bên trong lớp cửa kính của cửa hàng, một người phụ nữ đang xếp hàng chờ thanh toán.
Cái hơi thở chẳng lành đó!
Tôi hệt như bị ai đó dội một gáo nước lạnh lên mặt.
Nguyễn Ngọc Hà cũng vậy, chợt rùng mình một cái, hai bàn tay siết chặt chùm chìa khóa.
Người phụ nữ kia tầm ba bốn mươi tuổi, nhìn vào rất chín chắn, đang đứng trong hàng người mà phần lớn đều là sinh viên, nhìn vào khá là không đồng điệu. Trên tay bà ta đang cầm một chai nước, nhìn màu sắc thì có lẽ đây là một loại trà nào đó. Khuôn mặt bà ta đang hiện ra vẻ mệt mỏi, hai mắt rũ xuống, rã rượi.
Tôi chưa từng gặp người phụ nữ này, nhưng Nguyễn Ngọc Hà hình như cảm thấy người phụ nữ này khá quen.
Tôi nhìn qua Nguyễn Ngọc Hà.
Cô ta vẫn chưa nhớ được người đó là ai, mà chỉ cảm thấy quen mắt, hiện tại đang cố gắng nhớ lại thân phận của người kia.
Trong kí ức của cô ta hiện ra người thanh niên tên Đồng Soái, nghĩ đến Trần Nhất Tây. Có điều người phụ nữ kia không thể là Trần Nhất Tây, cũng không thể là Trần Nhất Tây chuyển thế được.
Xét từ tuổi tác, hình như bà ta cũng không phải bạn học ngày xưa của Nguyễn Ngọc Hà.
Tôi đã nghĩ đến người ủy thác kia.
Nữ sinh trong ký túc xá đó sao?
Người kia đã thanh toán xong, vừa đi ra vừa mở nắp bình nước để uống.
Trên người chị ta đích thực đang có luồng hơi thở chẳng lành của sự nguyền rủa.
Là xui xẻo mua phải món gì đó?
Hay là, sau khi tiếp xúc với sự kiện quái dị kia, mà chị ta đã bắt đầu có hứng thú với những thứ này, đi vào con đường tà ma?
Tôi đang nghĩ đến tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Nguyễn Ngọc Hà chần chừ một lát, rồi thò tay vào túi áo, bàn tay vẫn siết chặt chùm chìa khóa, giống như năm xưa cô ta xiết chặt cuốn sổ tay, rồi cứ thế bám theo người phụ nữ.
Tôi hoàn toàn không tán thành cách làm của cô ta.
Nếu luận về lương tâm, chắc Nguyễn Ngọc Hà vượt hẳn tôi và nhóm Thanh Diệp.
Điểm này, tôi tự cảm thấy vô cùng hổ thẹn.
Cảm thấy cô ta vừa ngốc, vừa đáng khâm phục.
Đối với những người như vậy, trong lòng luôn chung quy vẫn sẽ sinh ra thiện ý, muốn giúp đỡ cô ta.
Tôi nhìn qua người phụ nữ.
Chị ta đi khá chậm, giống như quá đuối sức, lại giống cố ý đi chậm. Có lẽ là không muốn về nhà cũng nên?
Với độ tuổi này, chắc chị ta đã lập gia đình và có con rồi.
Tôi nhìn qua tay trái của người phụ nữ, cánh đang rũ xuống bên thân, ngón vô danh có đeo nhẫn cưới.
Đến một ngã tư có đèn đỏ, người phụ nữ dừng lại đợi đèn xanh. Bên cạnh cũng có mấy người đi đường, cũng đang đợi tín hiệu đèn thay đổi.
Bước chân của Nguyễn Ngọc Hà cũng rất chậm, luôn giữ một khoảng cách cố định với người phụ nữ kia.
Đến khi đèn chuyển sang màu xanh, đám người hối hả bước đi, người phụ nữ bị rơi lại sau cùng.
Bà ta đứng bất động, có lẽ đang mông lung gì đó, nên chưa di chuyển ngay.
Nguyễn Ngọc Hà cũng không thể không dừng lại.
Tôi không biết bây giờ có thể rời khỏi Nguyễn Ngọc Hà hay không. Nếu thực sự xảy ra chuyện gì đó, tôi ở bên cạnh cô ta thì còn có thể kịp thời ra tay giúp đỡ. Nhưng tình trạng của người phụ nữ kia, nhìn vào thực sự rất khác thường.
Tôi cảm thấy hơi thở chẳng lành trên người chị ta đã trở nên đậm đặc. Điều này khiến tôi muốn đến gần để quan sát. Chí ít cũng phải nhìn chính diện chị ta một lần. Chỉ nhìn ở sau lưng thì chẳng thấy được gì cả.
Đồng hồ đếm ngược trên cột đèn đã nhảy đến 10 giây cuối cùng.
Người phụ nữ chợt giật mình một phát, hệt như một người vừa tỉnh cơn mê, ngẩng đầu lên bước vội qua bên kia đường.
Nguyễn Ngọc Hà thấy vậy, cũng vội vàng bám theo sau.
Người phụ nữ hình như nhũn chân, lảo đảo còn chút nữa là té xuống đường.
Đèn giao thông đã nhảy đến “3”, chớp mắt đã trở thành “1” và đèn đỏ đã sáng.
Người phụ nữ đang đứng trên làn đường dành cho xe thô sơ.
“Rừ… rừ…” Tiếng động cơ gầm rú vang lên.
Người phụ nữ hoảng hốt quay đầu lại.
Tôi chỉ kịp nhìn thấy Nguyễn Ngọc Hà bước nhanh đến, túm lấy cánh tay của người phụ nữ, kéo người chị ta ra sau.
Tôi cũng chỉ kịp chụp được vai của Nguyễn Ngọc Hà, lôi ngược cô ta ra sau.
Một chiếc mô tô phóng vù qua, sượt qua thân thể người phụ nữ, bẻ cua và biến mất ngay lập tức.
Xung quanh bùng lên tiếng la hét và chửi bới.
Cũng có người đi đường chạy đến coi thử người phụ nữ có sao không.
Trên làn đường dành cho xe cơ giới, có người thò đầu ra khỏi cửa, mắng mấy câu rồi mới lăn bánh.
“Làm sợ muốn chết. Hai người đừng gấp gáp như thế chứ!”
“Cô bé này, cô cũng làm người ta sợ hết cả hồn, đùng đùng nhào đến.”
“Chiếc mô tô khi nãy chạy kiểu gì vậy!”
“Tụi trẻ trâu đang tìm chỗ chết đó mà. Giờ tan tầm đang cao điểm mà phóng ào ào ở ngay cái chỗ này.”
“Xe ở bên kia hình như bị quẹt tróc sơn rồi.”
“Các người đừng có vội thế chứ!”
“Mẹ bà nó!”
“Cũng may là hồi nãy cô ta chưa đi đến đó. Nếu không thì xe đạp, xe điện bên đó đi qua thì chắc chắn đã bị tông trúng rồi.”
Xung quanh bàn tán rần cả lên.
Tim tôi đập dữ dội, Nguyễn Ngọc Hà cũng vậy.
May mà người phụ nữ đó chưa đi được xa, vẫn còn trên làn xe thô sơ, nếu đi thêm vài bước nữa, có lẽ đã bị chiếc mô tô phóng như bay kia tông phải rồi.
Nguyễn Ngọc Hà sờ vào bờ vai mình, quay đầu nhìn lại.
Tôi chợt hiểu ra.
Nhưng Nguyễn Ngọc Hà nhìn đông ngó tây mà không thấy được tôi, e là sẽ nghĩ rằng một người đi đường khác đã cứu cô ta.
“Hai người có chuyện gì mà vội vậy chứ?” Vẫn có người đang hỏi thăm họ.
Nguyễn Ngọc Hà lắc đầu, nhìn qua người phụ nữ.
“Tôi… không có gì… chỉ là hơi mệt …” Vẻ mặt người phụ nữ vẫn chưa hoàn hồn lắm.
“Để cháu dìu cô qua bên này.” Nguyễn Ngọc Hà nói.
Người đi đường cũng giúp một tay, đưa họ dựa vào nghỉ ngơi ở bức tường của cửa hàng bên cạnh.
“Cảm ơn mọi người.” Người phụ nữ yếu ớt nói lời cảm ơn, chào những người đi đường, rồi quay qua nhìn Nguyễn Ngọc Hà: “Cảm ơn cháu nhé, cô bé. Cháu tên gì vậy?”
“Cháu tên Nguyễn… Cháu tên Mã Lâm.” Nguyễn Ngọc Hà trả lời.
“Cảm ơn cháu nhiều lắm. Phải rồi, cô tên là Tôn Gia Duyệt, đây là danh thiếp của cô. Nhà cháu ở đâu, để cô đưa cháu về, cũng phải nói với cha mẹ cháu một tiếng chứ. À, hồi nãy cô ngã lên chân cháu đúng không? Có cần đi bệnh viện xem không?” Người phụ nữ từ trong túi lấy danh thiếp ra, còn miệng vẫn nói liến thoắng không ngừng.