Phòng Di dời tìm ra được tro cốt từ mấy chục năm về trước, sau đó giúp cụ già tìm nghĩa trang an táng. Chuyện như vậy xứng đáng để cánh phóng viên đến viết bài đăng tin, để tuyên dương tấm gương đẹp của Phòng Di dời chúng tôi.
Nhưng lúc này tôi vẫn chưa có cơ hội để gọi phóng viên đến. Có lẽ sau khi toàn bộ quá trình di dời giải tỏa kết thúc, có thể kể lại khi được phóng viên phỏng vấn.
Tôi nghĩ vu vơ.
Thật ra là vì bầu không khí trong xe rất ngột ngạt.
Bị chính mẹ ruột của mình không tin tưởng như thế, đương nhiên hai anh em Lưu Chí Quốc đang rất bất mãn. Hai người họ đều im lặng. Tống Hiền cũng không phải người thích nói. Quách Ngọc Khiết không có đất để phát huy sở trường, chỉ cùng với tôi, mỗi người một bên của bà cụ Tống Hiền, hệt như hai nhân viên bảo vệ.
Mà vị trí ngồi này cũng là do chính bà ấy quyết định. Ánh mắt bà ấy nhìn hai đứa con, giống như đang nhìn mấy gã ăn trộm vậy. Có lẽ bà ấy nhìn nhân viên tiếp thị sản phẩm chăm sóc sức khỏe còn thân thiện hơn.
Tống Hiền không hề biết địa chỉ cụ thể của nghĩa trang Vạn Thọ, chỉ chốc chốc lại bảo quẹo trái, chốc chốc lại bảo quẹo phải.
Khi chỉ đường, bà ấy không có một chút chần chừ. Nếu không phải nói bừa, vậy có nghĩa là bà ấy thật sự đã đi qua nghĩa trang Vạn Thọ đó, còn nhớ rõ đường đi nữa.
Tôi suy tư, xác nhận bà cụ Tống Hiền không chỉ đi đường lòng vòng, không phải nói bừa, rồi lại nhẩm tính thời gian mà bà cụ Tống Hiền dọn vào thôn Sáu Công Nông.
Bà ấy vốn là công chức trong Xưởng Gang thép Số 3, thời gian dọn vào thôn Sáu Công Nông chắc cũng tương đương với tuổi nhà ở đó.
Nghĩ tới đây, vậy cái nghĩa trang ấy có bị giải tỏa thì cũng không có gì lạ cả.
Nhu cầu về nghĩa trang ở Dân Khánh đang tăng lên, còn làm ra rất nhiều nghĩa trang sinh thái, mô hình nghĩa trang mới. Những nghĩa trang cũ bị giải tỏa, tro cốt một số người chưa được người thân đến nhận, đành phải để cho chính quyền xử lý.
Tôi nghĩ hai lọ tro cốt của cha mẹ bà cụ Tống Hiền, chắc không phải lấy ra lại sau khi an táng, mà là chưa bao giờ được hạ táng.
Hai người con của Tống Hiền thì chẳng có chút kí ức nào về ông bà ngoại.
“Đi thẳng, đi thẳng.” Tống Hiền rướn cổ lên, quan sát đường thật kĩ.
Càng lúc tôi càng thấy chuyện này thực sự không thể hiểu nổi.
Chiếc xe cứ thế ra khỏi phạm vi Dân Khánh, tiếp tục chạy đến vùng ngoại ô.
Đi qua mấy khu di dời được xây dựng mấy năm trước, rồi đi qua những thôn trang nông nghiệp, cuối cùng thì bà cụ Tống Hiền đã kêu dừng lại.
“Ở đó, ở chỗ đó.” Bà lão đầy kích động chỉ tay về một hướng.
Lưu Chí Quốc bất mãn gắt lên: “Mẹ nhìn đi, làm gì có cái mộ nào? Con đã bảo không có rồi mà.”
Lưu Chí Quân vẫn im lặng, nhưng qua vẻ mặt thì ông ta cũng đang bực mình.
Tống Hiền đẩy tôi, đòi xuống xe.
Tôi kéo bà ấy lại: “Bà Tống, nghĩa trang Vạn Thọ mà bà nói nằm ở đâu?”
Bà cụ chỉ tay về phía bên kia đường.
“Đó là công xưởng của người ta mà.” Tôi bất lực nói.
Hướng mà bà ấy chỉ là một khu công xưởng, không biết là của công ty nào. Mô hình thiết bị đồ sộ, các phân xưởng chỉ là những ngôi nhà xi măng vuông vức, chẳng có chút hơi hướng thiết kế nào, giống hệt một cục gạch vuông, có lẽ là xưởng gia công thực phẩm hay cơ khí gì đó.
Nhưng bà ấy cứ khăng khăng đòi xuống xe. Tôi đành làm theo, dìu qua đường, đến chỗ tường bao của công xưởng. Tống Hiền còn muốn tìm cổng để đi vào.
Lưu Chí Quốc bực mình gắt lên: “Được chưa. Đã thấy rồi đấy, ở đây có mộ gì đâu, không có mộ!”
Lưu Chí Quân vẫn im lặng đứng bên cửa xe hút thuốc.
Tống Hiền thì cứ nhất quyết đòi vào.
“Ở đây không phải nghĩa trang đâu bà à.” Tôi khuyên can lần nữa.
Quách Ngọc Khiết cũng nói vậy.
Mọi người khuyên hết lời mà bà cụ Tống Hiền vẫn không chịu nghe. Thấy chúng tôi không chịu hợp tác, bà ấy bèn mặc kệ chúng tôi, hất tay chúng tôi ra, tiếp tục đi tìm cổng chính.
Tôi lấy điện thoại tìm định vị của nơi này.
Công xưởng này trực thuộc “Công ty sản phẩm Cơ giới Thường Đức Dân Khánh”, chắc là chuyên sản xuất các linh kiện phụ tùng xe ô tô. Diện tích công xưởng không lớn, cửa chính thì nằm ở mặt bên kia.
Lưu Chí Quốc cũng bước đến trước mặt, chặn lại, chỉ tay về phía công xưởng: “Mẹ nhìn đi, nghĩa trang ở đâu ra? Mẹ à, đừng có làm khó bọn con nữa, chúng ta về thôi. Cứ an táng ông bà ngoại ở chỗ cha đi. Sau này ấy hả, cả nhà quây quần bên nhau, chẳng phải quá tốt rồi sao? Con cũng sẽ mua mộ phần ở đó. Cả nhà mình cùng mua ở cạnh nhau, mua lại hết, được không?”
Tống Hiền lắc đầu quát: “Mày là thằng súc sinh vô lương tâm! Ông bà ngoại mày phải an táng ở đây! Mày là thằng súc sinh! Giống hệt Lưu Trung Lương! Súc sinh cha sinh súc sinh con!”
Đột nhiên bà cụ Tống Hiền nổi trận lôi đình, đuổi đánh Lưu Chí Quốc.
“Mẹ!” Lưu Chí Quốc chỉ biết né tránh.
Quách Ngọc Khiết chạy đến kéo bà cụ lại.
“Bà Tống à, nơi này thực sự không có nghĩa trang mà. Bọn cháu không gạt bà đâu.” Quách Ngọc Khiết nhìn chăm chú vào mắt bà cụ Tống Hiền, chân thành nói.
Mắt bà ấy lập tức đỏ hoe, chảy nước mắt: “Số cha mẹ tôi sao mà khổ thế này. Họ chỉ muốn trở về thôi mà. Họ chỉ muốn trở về thôi… Cầu xin mấy người, đưa họ qua đây đi mà…”
Lời của bà cụ khiến người ta chẳng hiểu gì hết.
Tôi nhìn Lưu Chí Quốc, rồi nhìn Lưu Chí Quân.
“Chuyện của ông bà ngoại hai ông là sao vậy? Có phải bà cụ…” Tôi khe khẽ hỏi.
Lưu Chí Quốc tỏ ra đầy ngơ ngác: “Tôi đã nói rồi, từ nhỏ tới giờ chưa từng nghe mẹ nhắc đến ông bà ngoại…”
“Ông bà ngoại chắc sẽ đau lòng vì mày lắm! Thằng súc sinh!” Tống Hiền lại nổi giận, mặt đầy nước mắt, vẻ mặt oán giận vô cùng.
Bà ấy đang định cất giọng chửi tiếp thì bỗng khựng lại, cả người giống như bị đóng băng.
Tôi không hiểu, nhưng cảm giác thấy có gì đó là lạ.
Lưu Chí Quốc vẫn đang năn nỉ Tống Hiền quay về.
Nhưng bà cụ lại chầm chậm quay đầu nhìn về phía công xưởng.
Trong xưởng không một bóng người, đằng sau dãy hàng rào sắt hệt như một không gian chết. Trên đường cũng không có chiếc xe nào qua lại.
Bà cụ Tống Hiền cứ nhìn chằm chằm công trường như thế, rồi lặng lẽ rơi nước mắt.
“Cha ơi… mẹ ơi…” Bà ấy nghẹn ngào kêu lên, toàn thân run rẩy, đi về phía hàng rào sắt, một tay vịn song sắt, tay kia thò vào bên trong, giống như đang muốn nắm lấy thứ gì đó ở trước mặt.
Trong hàng rào, cả một lùm cây cũng chẳng có.
Đi về phía trước mười mấy mét, mới có tường trắng của phân xưởng.
Ngay thời khắc này, chúng tôi chỉ ngơ ngác mà nhìn.
Tôi không thấy âm khí, chẳng thấy ma. Tôi cũng chắc chắn Quách Ngọc Khiết không nhìn thấy gì.
Tâm trạng của bà cụ Tống Hiền quá kích động. Thực sự giống hệt vừa được gặp lại người thân sau nhiều năm xa cách, khó kiềm chế nổi cảm xúc. Ánh mặt bà ấy có tiêu cự rõ ràng. Tay đang đưa đến cũng đã mở ra, nắm lấy thứ gì đó vô hình. Trên những ngón tay và mu bàn tay gầy gò, có thể trông thấy xương xẩu và gân xanh.
Các diễn viên kịch lão thành điêu luyện, cùng lắm cũng chỉ diễn đến trình độ ấy.
Nếu Tống Hiền không phải bị ảo giác, thì chắc chắn bà ấy đã nhìn thấy gì đó, nắm được gì đó thật rồi.
“Mấy người làm gì đấy?” Lúc này Lưu Chí Quân đã bước tới, miệng đang ngậm điếu thuốc. Ông ta thấy rõ mọi hành động của bà cụ Tống Hiền, nghe thấy bà ấy khóc lóc nức nở. Thế là ông ta ném thuốc lá xuống đất, bước đến.
“Cha ơi… mẹ ơi… mẹ ơi… hu hu… dạ dạ…” Tống Hiền vừa khóc vừa gật đầu lia lịa.
Không biết có phải do động tác này của bà hay không, mà tôi lại thấy tóc của bà ấy khẽ động đậy.
Không có gió, cũng không đúng cái hướng bà gật đầu, nhưng tóc của bà ấy quả thực đang di chuyển về một bên.
Giống như đang có một bàn tay vô hình khe khẽ xoa đầu bà ấy.
Tôi rùng mình, da gà trên người cũng đã nổi rần rần.
Dự đoán tồi tệ nhất của tôi đã thành hiện thực rồi.
“Bà Tống, bà thực sự, đã nhìn thấy cha mẹ sao?” Tôi xác nhận lại lần nữa.
Lưu Chí Quốc và Lưu Chí Quân đều giống như bị lửa chích vào mông, tuổi đã lớn nhưng vẫn nhảy dựng lên tại chỗ.