Kịch bản của “trò chơi” mỗi lần cũng không phải là quá phức tạp. Số lượng nội dung như thế tựa hồ là vừa đủ.
Nhưng khi nhìn thấy trạm phát điện trên gò đất, tôi nhớ đến lần mất điện lúc kịch bản bắt đầu, cùng mấy lần bị mất điện sau đó, lại nhớ đến việc lúc đó Bí thư Đường bị người ta gấp rút gọi về trạm phát điện. Tôi chợt nhận ra sự việc không đơn giản như vậy.
Người đó…
Tôi tìm kiếm trong tầm mắt nhưng vẫn chưa nhìn thấy người đàn ông đã giục gọi Bí thư Đường đi hôm đó.
Đám đông mang theo nỗi bất an và sự hoài nghi đồng loạt lùng sục khắp trong thôn, nhưng vẫn chưa tìm ra thi thể của Bí thư Đường.
Sắc trời đã dần tối, nỗi hoang mang và sợ hãi của mọi người đã bị sự mệt mỏi và phiền chán thay thế.
“Tôi thấy, xác của Bí thư Đường có khi nào lại đang nằm trong quan tài nhà họ Đinh không?” Một người oán thán nói.
Có người gật đầu nhưng cũng có người lắc đầu không đồng ý.
Còn “tôi” thì nổi giận đùng đùng, gân cổ lên cãi lại.
Những người khiêng quan tài hôm đó có thể chứng minh, trọng lượng của chiếc quan tài rất bình thường, không thể có một lúc hai người bên trong được.
Con trai Bí thư Đường hỏi: “Cái phòng trên gò đất đó dùng để làm gì thế?”
“Là trạm phát điện.”
“Vẫn chưa tìm ở chỗ đó đúng không?”
“Giờ đã trễ lắm rồi, ngày mai hãy tìm tiếp.” Một người lên tiếng phản đối.
Tôi nhìn qua, đấy không phải là người hôm đó đã gọi Bí thư Đường đi sao? Ánh mắt của ông ta láo liên, hai tròng mắt đảo tới đảo lui một cách lộ liễu.
Con trai của Bí thư Đường không phải là kẻ ngốc, ngay lập tức đã thấy nghi ngờ.
“Qua một đêm, ai mà biết sẽ xảy ra chuyện gì nữa! Bây giờ đi ngay! Xin mọi người nể mặt cha của cháu mà cùng đi giúp đỡ. Đến lúc đó cháu sẽ làm cơm hậu tạ mọi người.”
Câu nói vừa được cất lên, không ít người đã gật đầu đồng ý, không biết là họ gật đầu vì nửa câu đầu hay nửa câu sau nữa.
Người đàn ông đó càng trở nên căng thẳng hơn.
Nhưng thiểu số phải phục tùng đa số. Cá nhân ông ta không thể chống lại ý kiến của một nhóm người đông như thế.
Đám đông lại rầm rầm rộ rộ đứng lên, bật đèn pin kéo nhau đến gò đất.
Ánh nắng mỏng manh cuối cùng còn sót lại của trời chiều cũng đã tắt. Trạm phát điện tựa như một con quái vật đang đứng giữa màn đêm, chực người ta sơ hở để ra tay hãm hại.
Ánh sáng của những chiếc đèn pin không được tập trung lại một chỗ, vì mọi người đều đang dáo dác nhìn quanh, tìm kiếm thi thể của Bí thư Đường. Ánh sáng cứ lia qua lia lại, chồng chéo lên nhau làm người ta thấy có chút mơ hồ.
Xung quanh trạm phát điện vẫn chưa tìm thấy manh mối gì. Con trai Bí thư Đường đẩy thử cánh cửa sắt của trạm phát điện, không ngờ cái khóa xích bên trên chỉ được quấn hờ vào đó chứ chưa khóa lại.
Người đàn ông phản đối việc tiếp tục đi tìm vẫn luôn ở trong tầm mắt của tôi. Sau khi thấy cánh cửa được mở ra, mặt ông ta liền biến sắc, rụt cái cổ lại, chân từ từ lùi lại phía sau.
Tôi cực kì sốt ruột, nhưng Tiểu Đinh lại chẳng mảy may để ý đến, vẫn tiếp tục đi theo đám đông.
Cánh cổng rỉ sét vang lên âm thanh ken két, chầm chậm được mở ra. Chuỗi khóa xích vắt bên trên phát ra tiếng kêu loảng xoảng. Hai luồng âm thanh ấy cộng hưởng lại với nhau cùng một lúc, mang đến cho người ta một cảm giác quái dị.
Bước chân của con trai Bí thư Đường chợt dừng lại, cô vợ đang níu lấy tay cậu ta, có vẻ khá sợ sệt.
Nhưng rồi hai người vẫn tiếp tục đi vào.
Trạm phát điện không được coi là lớn, chỉ rộng gấp ba bốn lần các sân phơi thóc của nhà nông, lưng tựa núi, phía trước là một gian phòng nhỏ, chính là phòng làm việc trước đây, vẫn còn lưu lại những vật dụng bằng gỗ trong nhà, chắc chắn không thể giấu được thi thể rồi. Trụ mắc đường dây tải điện ở bên cạnh rất cao, trở thành một ngọn tháp cao trên gò đất.
Cửa của trạm phát cũng không khóa, lúc mở ra cũng vang lên âm thanh khiến người ta phải ê hết cả răng, chuỗi âm thanh ấy lại còn vang vọng lẩn quẩn bên trong trạm phát điện nữa.
Đây là trạm phát điện bằng nước, dẫn nước từ một con suối trên núi về để phát điện. Vì thời gian xây dựng đã từ rất lâu, nên trạm phát điện này hết sức sơ sài, gần giống như một cái nhà kho. Trên nền đất bị tổ máy phát điện chiếm hết diện tích, không gian phía trên là đường ống tiếp nước.
Đám đông xúm lại bước vào, ánh sáng của đèn pin trong tay soi sáng hết tổ máy phát điện.
Tôi có được nhân vật chính độc thoại đọc tình huống giải thích cho mấy cái nhãn hiệu trên những cái máy phát điện kia, nhưng vẫn sợ nhân vật chính không đáng tin cậy này bỏ sót điều gì đó, nên lại kĩ lưỡng đọc mấy cái nhãn dán trên đó một lần nữa.
Dưới ánh đèn pin sáng rực, đám đông tỏ vẻ rất tò mò với mấy chiếc máy phát điện bám đầy bụi bặm này.
Con trai Bí thư Đường là thật lòng muốn tìm cho ra thi thể của cha, nhưng trong cái gian phòng này chẳng có chỗ nào có thể giấu được xác chết cả.
Đám người sau khi tìm kiếm một lượt thì đành quyết định rời đi.
“Tiểu Đường à, hay là ngày mai lại đến tìm tiếp đi.” Người trong thôn khuyên.
Anh ta cũng chẳng còn cách nào khác.
Một màn này đến đây hình như đã xong. Tầm mắt tôi chợt tối lại, có một hàng chữ với lời độc thoại giải thích rằng tôi đã về nhà và đi ngủ rồi.
Trong màn đêm tôi nghe thấy vài tiếng động. Hình như Tiểu Đinh lại gặp ác mộng, còn nghe thấy tiếng khóc của một người phụ nữ, tiếp theo đó là chuỗi âm thanh xào xạc nghe rất kì lạ.
Tiểu Đinh mơ mơ màng màng nhổm dậy, dỏng tai lên nghe ngóng một lúc, rồi dần dần tỉnh hẳn.
Lúc này tôi đã giành được quyền tự do hoạt động trở lại.
Nhưng tôi không cảm thấy nhẹ nhõm chút nào, trái lại cảm thấy rất căng thẳng.
Công tắc đèn hiện tại đã không bật lên được.
Tôi kiếm được trong phòng một chiếc đèn pin, đồng thời cũng tìm thấy một tấm ảnh gia đình của nhà họ Đinh, một nhà ba người nhìn vào đang vô cùng hạnh phúc. Ngoài mấy thứ đó ra, gian phòng này chẳng còn vật gì nữa cả.
Đẩy cửa bước ra, tôi lại nghe thấy một vài âm thanh. Tôi không có loại thính lực kiểu như Cổ Mạch, nhưng khoảnh sân này cũng chỉ rộng đến thế, phía trước là đất bằng trống huơ trống hoác. Tôi tìm được phòng khách và phòng ngủ của mẹ Đinh, cũng không phát hiện thứ gì. Ngang qua nhà bếp, rồi nhà vệ sinh, lúc tìm đến phía sau ngôi nhà thì những âm thanh đó chợt im bặt.
Tôi chần chừ một lát rồi mới chầm chậm đi qua.
Một đống lửa nhỏ đang dần dần tàn lụi.
Không nhìn thấy người hay quái vật gì cả.
Tôi bước đến, cầm lên một khúc cây khô ở bên cạnh mình rồi bới trong đống tro tàn ấy và lôi ra một cái tay áo.
“Đây chẳng phải là quần áo của ba sao?”
Tôi nhìn vào hàng chữ có tính chất gợi ý ở trước mắt, âm thầm nhíu mày lại.
Trong đống tro này, ngoài quần áo chưa cháy hết của ba Đinh ra thì chẳng còn gì nữa cả.
Ai lại đốt đi quần áo của ba Đinh ở đây nhỉ?
Tôi nghĩ ra được một đáp án.
Ném khúc cây đi, tôi đứng dậy, vẫn có thể hoạt động được.
Tôi không phát hiện được gì thêm ở nhà họ Đinh. Ngay lúc đó, tôi chợt nhìn thấy bên ngoài bức tường bao quanh sân có một luồng ánh sáng quét ngang qua.
Tôi cẩn thận đi đến chỗ cổng, đem cánh cổng mở ra một khe hở.
Người đang đi ngang qua không phải ma, mà là một người đang cầm đèn pin. Nhìn bộ dạng từ sau lưng và cách ăn mặc thì tôi nhận ra đó là con trai Bí thư Đường.
Đã khuya thế này, anh ta muốn đi đâu?
Tôi suy xét một lát rồi tắt đèn pin mở cửa đi ra, âm thầm theo sau ánh đèn kia.
Con trai Bí thư Đường khồng hề đi trạm phát điện, mà nhẹ nhàng gõ cửa một nhà dân.
Anh ta cứ cách một khoảng thời gian lại gõ một lần, cứ thế kéo dài khoảng 10 phút thì bên trong mới có tiếng nói run rẩy sợ sệt vọng ra: “Ai thế?”
“Là cháu, Tiểu Đường.” Con trai Bí thư Đường khe khẽ trả lời.
Người ở bên trong nhà hình như vừa thở phào một cái, mở cửa ra.
Con trai Bí thư Đường vẫn luôn bật đèn pin, khiến tôi đang núp bên cạnh cũng có thể nhìn thấy rõ khuôn mặt của người ra mở cửa. Đó là người đàn ông khả nghi có lẽ đã biết được bí mật của trạm phát điện.
“Chú Triệu Nhị, cháu có thể vào nói chuyện với chú một chút không ạ?” Con trai Bí thư Đường nói.
“Ừ… vào đi.” Ông ta có vẻ không muốn cho lắm, nhưng vẫn nghiêng người nhường ra một lối.
Tôi nhìn thấy hai người vào trong, thấy mình vẫn có thể cử động như cũ, bèn đi quanh nhà của ông Triệu Nhị ấy một vòng, rồi tìm thấy một cái cửa sau cũ kĩ đổ nát. Nhà của ông ta rõ ràng chẳng giàu có gì, đã nhiều năm vẫn chưa sửa sang, nếu muốn đi vào nghe trộm thì rất dễ dàng.
Trong tầm mắt tôi lại hiện ra nội dung giới thiệu về Triệu Nhị này: góa vợ, trước đó đã liên tục chết ba đời vợ, không có con cái, người lớn tuổi trong gia đình đều đã qua đời, ruộng vườn cũng đã bán sạch. Tuy còn một vài anh chị em nữa, nhưng vì ông ta có mạng sát thê, lại nghèo hèn nên không thường lui tới với ông ta. Ông ta làm chân chạy vặt cho Bí thư Đường, phụ giúp một số công việc lặt vặt, gắng gượng cũng được no bụng sống qua ngày.
Con trai của Bí thư Đường dường như rất rành về người anh em này của cha mình, nên vừa mở miệng đã đi thẳng vào vấn đề: “Thi thể của cha cháu đang ở đâu?”