“Rất ồn, tối hôm đó rất ồn... Âm thanh đó... Chính là tiếng chuông gió, những chiếc chuông gió làm bằng gỗ kia đều đang rung lên, âm thanh rất loạn, vang lên không ngừng, đáng sợ lắm... Bây giờ tôi… Tôi chỉ nghe qua có một lần thôi nhưng vẫn còn cảm thấy ám ảnh. Sau đó nếu như trong thôn có ai đó qua đời thì tôi sẽ chạy về căn nhà ở trên thị trấn, không ngủ đêm ở căn nhà trong thôn nữa. Những tiếng chuông gió đó, phải nói sao nhỉ... Nói chung là mang lại cho người ta một cảm giác đặc biệt khó chịu.”
“Thời gian tiếng chuông gió ngừng thì sao?”
“Chỉ trong chốc lát thôi! Thật sự là chỉ trong chốc lát thì toàn bộ tiếng chuông gió đều ngừng hẳn! Không còn nghe thấy tiếng gì nữa! Tôi còn chưa kịp hoàn hồn nhưng sau khi nghe thấy tiếng động bên ngoài, chính là tiếng mở cửa ấy thì tôi mới bước ra ngoài. Khi đó tất cả nhà cửa trên đường đều mở toang, ai ai cũng đang tháo chuông gió xuống. Tôi cũng tháo xuống theo. Chuyện này... Tuy rằng bây giờ thì ai cũng tin vào khoa học, nhưng mà chuyện này thật sự không thể giải thích bằng khoa học được. Ở bên ngoài không nghe thấy có tiếng gió, chỉ nghe thấy tiếng chuông gió thôi. Vả lại những chiếc chuông gió đó… lúc tôi tháo xuống thì có nhìn thấy những sợi dây đều bị quấn vào nhau, trông rất lộn xộn.”
“Những chuyện kì lạ xảy ra trong thôn Từ Đường chỉ có một chuyện này thôi sao?”
“Chỉ có chuyện này thôi, không còn gì khác nữa.”
“Có một nhà họ Tào đã từng ở đây, ông có biết nhà họ không?”
“Họ Tào sao? À... Ý cậu là ông Tào đúng không? Ông ấy đã dọn đến thành phố Dân Khánh rồi thì phải?”
“Đúng vậy, trước đó chúng tôi cũng có phỏng vấn ông ta, vì vậy mà mới cảm thấy hứng thú với thôn Từ Đường. Nơi này rất có đề tài để viết.”
“Ồ...”
“Ông có ấn tượng gì với ông ta không?”
“Không có, không có ấn tượng gì cả. Trước khi tôi đến nơi này làm việc thì cả nhà ông ta đã dọn khỏi đây rồi, trong nhà trống không. Nhưng mà...”
“Nhưng mà cái gì?”
“Những người dân sống ở đây chắc hẳn rất ghét gia đình ông Tào.”
“Ông có biết nguyên nhân là vì sao không?”
“Không rõ lắm. Lúc tôi mới chuyển đến đây, chẳng phải cần quen biết những người trong thôn để tiện cho phát triển công tác sao? Khi đó tôi cũng có đi hỏi thăm qua, chỉ có nhà của ông Tào là trống không nên tôi mới đi hỏi hàng xóm láng giềng của ông ta. Lúc bọn họ nhắc đến gia đình ông Tào thì nghe giọng điệu đó hình như không muốn nói đến, có vẻ rất ghét. Tôi không có hỏi được gì cả. Khoảng thời gian trước ông Tào có đến đây nhưng cũng không được mọi người hoan nghênh. Ông ấy không sống ở căn nhà trong thôn mà dọn đến nhà trọ trên thị trấn để ở. Có chuyện gì thì lái xe đến đây giải quyết, sau đó lại lái xe đi về. Tôi nhìn thấy ánh mắt của những người trong thôn khi nhìn ông ta có chút gì đó rất kì lạ. À... Chuyện này...”
“Ông nghĩ ra gì sao?”
“Chính là cái thái độ này... Bọn họ đối xử với Bí thư rồi trưởng thôn nhiệm kì trước cũng là thái độ giống như vậy.”
“Ý ông muốn nói là, bọn họ cũng ghét những quan chức tiền nhiệm trước ông sao?”
“Không phải ghét, có lẽ là oán giận thì đúng hơn. Nói chung là thái độ của bọn họ rất quyết liệt. Bọn họ...”
“Bí thư Trịnh, có chuyện gì thì ông có thể nói thẳng. Chúng tôi sẽ bảo vệ tốt những đối tượng được phỏng vấn. Ngoại trừ ông ra, chúng tôi còn tiến hành phỏng vấn rất nhiều người dân sống ở vùng này nữa. Những bài báo liên quan đến việc tịch thu đất đai này, cho dù không có được đăng tải lên thì chúng tôi cũng sẽ gửi lại bản thảo nội dung cho những người được phỏng vấn. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ ghi rõ là thông tin này do ai cung cấp. Còn về những nội dung mà nãy giờ chúng ta đang nói đến... Nếu như ông có thường xuyên lên mạng thì chắc sẽ hiểu được một điều rằng, trừ phi ông phối hợp cùng với chúng tôi tiến hành đăng những thông tin về quá trình phỏng vấn, còn nếu không thì chúng tôi sẽ không để lộ danh tính của người được phỏng vấn, cũng sẽ không giới thiệu nội dung của người được phỏng vấn.”
“Chuyện này... Các cậu đến đây, vòng một vòng to như vậy thực ra mục đích của các cậu là vì chuyện này đúng không?”
“Ý của ông là sao?”
“...”
“Bí thư Trịnh, nếu như ông không chịu hợp tác thì chúng tôi sẽ rất khó xử. Chúng tôi cũng không quan tâm lắm đến tính xác thực của bài báo, quan trọng là phải có vấn đề gì đó để đăng tải lên. Có những thứ khi đăng tải lên mạng thì không cần quan trọng là thật hay là giả, cũng không cần phải có chứng cứ, chủ yếu là dựa vào tài năng của người lập kế hoạch và của người viết báo.”
“... Haiz...”
“Lúc nãy ông đang muốn nói đến chuyện gì?”
“Chính là những công xưởng kia. Các cậu chắc cũng đã nhìn thấy những công xưởng ấy ở đây rồi chứ?”
“Ừ, chúng tôi có nhìn thấy, nhưng bây giờ hình như đã không còn hoạt động nữa. Nguyên nhân bị bỏ hoang là do tịch thu đất đai sao?”
“Không phải, những công xưởng đó đã bị bỏ hoang từ rất lâu rồi.”
“Nguyên nhân là gì?”
“Ông chủ nhà máy chết rồi.”
“Ý ông là người có quyền tài sản của nhà máy chết rồi? Không có người thừa kế sao?”
“Đều chết cả rồi, không còn ai thừa kế nữa.”
“...”
“Tôi cũng không dám chắc là có phải đã chết hết rồi không. Cái xưởng gạch ở đây, ông chủ thứ nhất qua đời, ông chủ thứ hai lên nắm quyền, chưa tới hai năm sau thì cũng chết. Ông chủ của những nhà máy khác cũng không biết là đã chết hay là đã chạy trốn nữa. Lúc tiến hành tịch thu đất đai thì chúng tôi cũng đau đầu về vấn đề này lắm, những nhà máy này phải xử lí như thế nào đây, rồi làm sao để liên lạc với người có quyền tài sản này.”
“Toàn bộ công xưởng đều ngừng sản xuất rồi sao?”
“Đúng vậy, toàn bộ đều ngừng hoạt động hết, trống không.”
“Vậy ông cho rằng nguyên nhân là gì?”
“Không biết nữa. Cũng có thể... Tôi chỉ là nghi ngờ thôi, chuyện này thật sự rất kì lạ, có thể là… có thể là bị nguyền rủa gì đó...”
“Ông cho rằng đây là do một thứ gì đó mà khoa học chưa thể giải thích được gây ra sao? Có chứng cứ cụ thể gì không?”
“Chuyện này thì lấy đâu ra chứng cứ chứ!”
“Người nhà của những người đã chết kia có để lộ ra tình huống gì không bình thường không?”
“À... Tôi chỉ biết một chuyện thôi. Cũng giống như những gì lúc nãy tôi đã nói qua, ông chủ thứ nhất qua đời, chưa tới hai năm sau thì ông chủ thứ hai cũng qua đời. Ông ta là người của thôn Từ Đường, một năm đa số thời gian đều ở trong thôn. Trước khi ông ta qua đời thì thường xuyên bị mất ngủ, đêm nào cũng không ngủ được, người càng lúc càng gầy đi, gầy đến nỗi chỉ còn mỗi da bọc xương. Đi khám bác sĩ, uống thuốc đều không có tác dụng, sau đó thì ông ta qua đời.”
“Sau khi ông ta qua đời thì trong thôn có treo chuông gió không?”
“Cái này thì không. Ông ta không phải chết ngay ở trong thôn Từ Đường mà chết ở bệnh viện, chôn cất ở khu nghĩa địa công cộng.”
“Chuyện lúc nãy ông muốn nói là chuyện này sao?”
“Chính là những công xưởng kia... Bây giờ các cậu không nhìn thấy, chứ những công xưởng này đều không đạt chuẩn an toàn. Lúc ban đầu những người dân trong thôn cũng không biết, cũng từng phản ánh vấn đề này, nhưng mà...”
“Ý ông là từng xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường sao?”
“Đúng vậy, tình trạng ô nhiễm khá nghiêm trọng. Bây giờ đã đóng cửa hết rồi nhưng tình trạng vẫn không khá lên mấy. Nói thật lòng thì ai cũng như ai cả, có nhiều người dân sống trong thôn cũng không biết bảo vệ môi trường là như thế nào. Cậu nhìn có những người dù đã khuyên cỡ nào đi chăng nữa cũng không chịu nghe, vẫn còn đốt rơm rạ nữa. Ngoài ra còn có những con mèo này, chó này, gia cầm này… công tác tiêm phòng cũng chưa được thực hiện một cách tốt nhất, nhưng mọi người đều đã quen với những thứ này rồi, cảm thấy không có vấn đề gì lớn cả. Còn công xưởng là một thứ còn khá mới mẻ, mọi người đều cảm thấy rất sợ hãi.”
“Những công xưởng này trước khi ngừng hoạt động thì đã từng vấp phải sự phản đối của người dân đúng không? Vì vậy mà ông mới nghi ngờ rằng cái chết của ông chủ công xưởng có liên quan đến bọn họ phải không?”
“Ừ. Thái độ của bọn họ rất rõ ràng...”
“Vậy quan chức tiền nhiệm trước ông cũng đã qua đời rồi sao?”
“... Đúng vậy... Đột nhiên qua đời, tôi đến thế chỗ...”
“Người nhà họ Tào bị người dân thôn Từ Đường ghét bỏ cũng là do nguyên nhân đó sao?”
“Chuyện đó… Tôi có từng điều tra qua một chuyện. Chính là công xưởng đầu tiên, công xưởng đó là do cha của ông Tào mở nhưng chưa tới hai năm sau thì đã đóng cửa, rồi bán cho người khác. Vì vậy rất có thể...”
“Ông có từng suy nghĩ qua là họ đã dùng thủ đoạn gì đó để nguyền rủa đám người kia không?”
“Không có, tôi làm sao có thể nghĩ ra được chứ? Bây giờ tôi vô cùng khách sáo với đám người đó, dù sao thì tôi cũng sợ chết mà.”
“Nếu là như vậy thì...”
“Oa... Oa...”
“Hức... Hức...”
“Bà ơi... Bà ơi...”
“Mẹ ơi!... Hu hu hu hu...”
“Xảy ra chuyện gì vậy?”
Cộp cộp cộp cộp...
“Xảy ra chuyện gì vậy?”
“Bà Uông đã qua đời rồi.”
“Bà Uông đã qua đời rồi? Tại sao lại đột ngột như vậy?”
“Bà Uông là ai vậy?”
“Là người lớn tuổi nhất ở thôn chúng tôi, trăm mấy tuổi rồi, rất khoẻ mạnh, hằng ngày còn hát kịch nữa cơ. Sao lại đi rồi?”
Cộp cộp cộp...
“Có phải là bà lão có nuôi một con mèo không?”
“Đúng!.”
“A Tinh hôm qua mới chết, tối qua bà Uông đã đi tiễn a Tinh nữa...”
“Sếp, anh nhìn bên ngoài...”
“Nơi này thay đổi rồi...”
“Thay đổi gì cơ? Có chuyện gì vậy? Trên trời có gì hả?”
“Không có gì. Chúng ta hãy mau qua đó đi. Bí thư Trịnh cũng phải qua đó để xem thử mà đúng không?”
“Ờ, đúng”
Cộp cộp cộp cộp...
“Hu hu hu…. Mẹ ơi….”
“Oa!”
...
“Con dâu nhà họ Uông, sao… sao mẹ chồng cô lại...”
“Hu hu hu… Tôi cũng không biết nữa, tôi chỉ là... Các cậu... Các cậu là đám người hôm qua...”
“Có phải là do bọn họ đã làm gì đó không?”
“Là do bọn họ sao?!”
“Các người đã làm gì bà Uông?”
“Hôm qua chúng tôi chỉ ngồi đó trò chuyện với bà ấy thôi, lúc chúng tôi đi về thì bà vẫn còn bình thường...”
“Meo...”
“Cái này... Sếp?”
“...”
“A... Ha... Sao lại tập trung đông người vậy? Mọi người khóc cái gì thế?”