Cái cách kể chuyện giống như là tin vỉa hè này làm cho tôi rất khó để tin vào độ xác thực của chúng.
Ở trước mặt cô lễ tân, tôi không thể biểu hiện sự hoài nghi của mình ra ngoài. Cười ha ha rồi cùng với Lữ Xảo Lam đi đến phòng số 308 mà cô lễ tân vừa nói đến.
Một khách sạn nhỏ cũ kỹ, lối đi ở hành lang rất tối, gần như tất cả đèn đều không mở, chỉ có ánh sáng từ hai cửa sổ dọc hành lang chiếu vào.
Phòng 308 ở ngay lối hành lang chính, rất dễ nhận ra vì phía trước cửa có dán niêm phong của cảnh sát.
Băng dính niêm phong màu vàng trông rất lỏng lẻo.
Tôi thử xoay tay nắm cửa và đương nhiên là không thể mở được cánh cửa ra.
Chỉ nhìn vào cửa phòng thì tôi không nhìn ra được vấn đề gì lạ.
Tôi cố gắng nhớ kỹ lại cảnh mộng trước đó, Trần Hiểu Khâu và cảnh sát Trang trong quá trình đi về phía trước rất thuận lợi. Trần Hiểu Khâu ôm thùng giấy, biên độ chấn động rất nhỏ, không có những động tác mạnh mẽ. Nếu như muốn đi qua niêm phong thì ít nhất cũng phải khom lưng xuống chứ? Tôi không cảm thấy được loại động tác này của Trần Hiểu Khâu. Về việc kéo niêm phong… Tôi cũng không nghe thấy tiếng băng dính bị xé.
Tôi bỗng thấy sự việc thật kỳ lạ.
Tiếng mở cửa tôi nghe rất rõ.
Cảnh sát Trang không thể nào lại không biết ở đây đã dán niêm phong.
Không lẽ giống như những gì mà Trần Tử An đã nói, là do con ma dẫn đường gây ra? Khi người sống gặp phải tình huống này thì đầu óc đều không minh mẫn, không thể phân biệt được thật hay mơ, không có chút cảm giác quái lạ nào?
“Anh có thấy con ma nào không?” Lữ Xảo Lam không yên hỏi.
Tôi lắc đầu, “Đi đến bệnh viện xem thử đi.”
Những thứ trên người họ đều được phát hiện tại bệnh viện.
Lữ Xảo Lam cũng đối với tình hình ở bệnh viện càng hứng thú hơn. Gấu Teddy được nhặt tại đó.
Khách sạn cách bệnh viện không xa lắm.
Chúng tôi bước ra ngoài khách sạn là có thể nhìn thấy tòa nhà màu xám của bệnh viện.
Tôi cùng Lữ Xảo Lam men theo đường đi về phía bệnh viện.
Những cửa hàng dọc đường và những người đi bộ làm cho tôi có cảm giác rất kỳ quái.
Không hề có những cửa hàng lớn, cũng không có những chuỗi cửa hàng tiện lợi mà ta thường thấy khắp nơi. Nhãn hiệu của các đồ dùng được bán trong cửa hàng trên đường này tôi đều chưa từng thấy qua bao giờ.
Các poster quảng cáo dán trên cửa hàng cũng bị phai màu. Có một cái poster quảng cáo thức uống tôi đã từng nhìn thấy rồi, trong ấn tượng thì nội dung trên đó đã là của mười năm về trước.
Cách ăn mặc của chủ cửa hàng và người đi đường trông có chút quê mùa, quần áo mặc không được đẹp đẽ sặc sỡ lắm, màu sắc rất ảm đạm.
Tôi không phải chưa từng đi qua những địa phương nhỏ. Tôi cũng đã nhìn thấy rất nhiều tình huống nghèo khổ khó khăn như thời đại học về quê của bạn học, vài lần đi du lịch, rồi đi ngang thôn núi, cho dù chỉ nhìn thấy trên tivi thôi, nhưng chưa lần nào cảm giác quái dị như ở vùng này.
Mỗi một người đi ngang qua đều đưa mắt nhìn chúng tôi một cái.
Tôi không biết đó có phải là ảo giác của tôi không.
Đi đến ngã tư, tôi không nhìn thấy đèn xanh đèn đỏ, những người xung quanh cũng chẳng để ý gì cứ thế đi bừa trên đường. Tôi cùng Lữ Xảo Lam hòa theo dòng người, nhìn trái nhìn phải cũng không thấy có chiếc xe nào, cứ thế chúng tôi đã qua bên kia đường.
Bên cạnh có người đi sượt qua vai chúng tôi.
Tôi dừng bước, chỉ cảm thấy có một trận gió âm thổi qua.
Tôi quay đầu lại nhìn cái người vừa đi sượt qua tôi. Người đó lưng còng, mặc quần áo cũ kỹ, mang đôi giày cũ, trên người dính đầy tro bụi. Mái tóc của người đó đã lấm tấm sợi bạc, có thể là một người đã có tuổi. Trừ ông ta ra thì bên cạnh còn có một người đang cầm điện thoại nói rất to. Một phụ nữ ăn mặc hở hang tư thế phóng đãng, chân mang giày cao gót, tiếng bước chân “cộp cộp cộp” nghe rất vang.
Ánh mắt của những người xung quanh đổ dồn về phía cô ta.
Lữ Xảo Lam kéo tay tôi, tôi mới chú ý là có một chiếc xe máy xịt khói chạy ngang qua.
Lữ Xảo Lam nhìn tôi, xong lại nhìn người phụ nữ đó, ánh mắt cổ quái.
Tôi không giải thích gì cả, chỉ có thể cười khổ. Tôi lại quay đầu nhìn một chút, người đàn ông nói chuyện điện thoại và người đàn ông mặc áo vải cũ kỹ đều không thấy đâu nữa. Người phụ nữ đã qua bên kia đường, đứng đó một hồi, ngó đông ngó tây, lại móc điện thoại ra.
Có một người trẻ tuổi tóc bờm ngựa từ trong đám đông chen tới. Cũng không biết gã ta đã nói gì mà người phụ nữ đó cười đến mức ngả nghiêng, khoác lấy cánh tay của gã thanh niên rồi cùng nhau đi về phía trước.
Xung quanh có người mắng một tiếng.
Lữ Xảo Lam lại kéo tay tôi, lộ ra một chút khó chịu.
Tôi và Lữ Xảo Lam tiếp tục đi về phía trước, rồi hỏi nhỏ: “Cô có cảm nhận được điều gì không?”
Nét mặt của Lữ Xảo Lam bớt đi vẻ khó chịu, hỏi: “Điều gì?”
Tôi lắc đầu, “Tôi không biết nói như thế nào…”
Tôi thật sự không biết phải nói như thế nào.
Luồng gió âm đó chỉ thoáng qua. Tôi nhìn qua đó lần nữa, nhìn thấy ba người hấp dẫn sự chú ý kia. Nhưng nói đến âm khí và ma, thì tôi lại không thấy gì.
Chúng tôi im lặng đi tiếp, đến được bệnh viện.
Tấm biển của bệnh viện Hối Hương được làm rất to, lúc mới được treo lên thì nhất định là rất khí phái, nhưng bây giờ nó đã cũ kỹ ảm đạm giống như tòa nhà xám xịt của bệnh viện này vậy.
Bệnh viện luôn là một nơi ồn ào, không cần biết là bệnh viện của nơi nào, lớn đến đâu thì đều sẽ như vậy. Kinh nghiệm này được tôi rút ra từ cuộc sống tại thành phố Dân Khánh. Bây giờ xem ra, đối với những nơi như Hối Hương này thì cũng có thể dùng.
Người ra vào bệnh viện hầu hết đều là người cao tuổi.
Tôi và Lữ Xảo Lam trẻ tuổi khỏe mạnh, nhưng cũng không tính là kỳ lạ.
Tiến đến quầy tiếp tân của bệnh viện, tôi hỏi y tá về chuyện tìm đồ vật bị mất.
Thái độ làm việc của cô ta cùng với lễ tân ở khách sạn không khác gì nhau, mặc kệ đối phương không thèm trả lời.
“Anh đánh mất cái gì à?” Đã không trả lời, ngược lại còn thẩm vấn tôi.
“Một thùng gấu bông, còn có điện thoại di động.”Tôi trả lời.
Ánh mắt của y tá có chút thay đổi, to tiếng nói: “Cái đó đưa cho cảnh sát rồi. Các anh đến đồn công an mà tìm.”
Một y tá khác đứng bên cạnh nhìn qua, ánh mắt cũng quái lạ như vậy.
Nếu y tá đó đã nhắc đến đồn công an thì tôi vờ như không biết đến chuyện của Cục Cảnh sát, nói: “Đồn công an chúng tôi đã đến rồi, họ nói không có.”
“Ở đây chúng tôi cũng không có!” Giọng y tá càng lúc càng to, còn vỗ xuống bàn hai cái, “Ở đây là bệnh viện, anh không đến khám bệnh thì đứng tránh qua một bên, đừng có làm ảnh hưởng đến các bệnh nhân khác.”
Cô ta nói đến hợp tình hợp lý.
Lữ Xảo Lam rất nhớ gấu Teddy, so với y tá còn to tiếng hơn: “Đồ của tôi bị mất ở chỗ này, sao cô có thể nói chuyện như vậy hả? Có phải là các người đã lấy nó không?”
Tôi lập tức thêm vào một câu: “Hai chiếc điện thoại di động cũng mấy ngàn tệ, chuyện này không phải cô nói một câu không có thì là không có được.”
Y tá nhất thời nghẹn lời.
Y tá kế bên len lén nhấc điện thoại, vừa cẩn thận nhìn sang chúng tôi, vừa nói nhỏ với đầu dây bên kia cái gì đó.
“Đồ vật ai đem đi?” Tôi hỏi một lần nữa.
Cô y tá lẩm bẩm: “Thứ ma quái đó ai thèm lấy chứ!”
Lữ Xảo Lam dựng thẳng lông mày, hình như muốn tức điên rồi.
Có một bảo vệ trung niên mập mạp chạy đến, mang thái độ khuyên giải, kéo chúng tôi qua một bên.
“Thùng gấu bông đó thật sự là không ở chỗ của chúng tôi. Chúng tôi đã gọi cho Cục Cảnh sát và gửi chúng đến đó rồi. Là Cục Cảnh sát, không phải là đồn công an, hai người chắc đã tìm nhầm nơi rồi.”
Bảo vệ tầm khoảng hơn 40 tuổi, dáng người mập mạp, có cái bụng bia, bọng mắt to, hai cánh tay to lớn, kèm theo nụ cười gượng gạo không thích hợp.
“Cô y tá kia của các anh có ý gì đấy? Cái gì gọi là thứ ma quái?” Tôi đanh mặt, dáng vẻ tức giận khó chịu.
Bảo vệ nhìn tôi, rồi lại quay sang nhìn Lữ Xảo Lam.
Sự nghiêm túc của tôi và sự tức giận của Lữ Xảo Lam không hề giả.
Lúc này tôi cũng không phải đang làm công việc phụ trách giải tỏa di dời nên không cần phải khách khí, nhẫn nhịn làm gì. Tôi đã nhìn ra được những người này ngoài mạnh trong yếu, trong lòng họ đang rất sợ hãi. Mặc dù tôi không rõ họ sợ cái gì, nhưng chỉ cần biết là họ đang sợ thì tôi càng có cơ hội ép họ nói ra.
Bảo vệ vừa nhìn xung quanh vừa dựng tai lắng nghe, thậm chí đến khi có người xung quanh vây xem thì ho một tiếng, gọi chúng tôi đi đến một gian phòng riêng.