Tìm thấy thì đi, không tìm thấy thì đương nhiên là ở lại. Còn về việc ở lại bao lâu, vậy thì phải xem thử lương tâm của tôi và tình bạn giữa tôi và Trần Hiểu Khâu, người ngoài không thể đoán chính xác được. Dù là rời đi, thì tôi cũng vẫn có thể năm lần bảy lượt quay trở lại.
Nếu đổi lại là một người bình thường thì tôi nói câu đó tất nhiên không thể gọi là uy hiếp được. Nhưng làm một “người khách quái dị” thì lại chính là uy hiếp.
Theo như lời của bảo vệ thì những người có chút bản lĩnh biết bắt ma diệt quỷ như tôi, sẽ luôn gây ra chuyện lớn ở Hối Hương, khiến người Hối Hương bị liên lụy, cũng bởi vậy mà bị chết hoặc bị thương.
Là thật hay giả thì tôi không biết, tôi chỉ biết là người Hối Hương tin vào điều đó. Bây giờ từ bảo vệ, Tường Tử đến những người trong bệnh viện nhìn thấy tôi thì đều sợ hãi, còn những người cá biệt như Trần Tử An ở Hối Hương thì có lẽ không nhiều lắm.
Câu nói hơi thẳng thắn của tôi khiến ông lão có chút sững sờ.
Ông ta đánh giá kĩ tôi hồi lâu, mới thở một hơi thật dài.
Bà chủ đó vẫn chưa trở lại, ông ta gác tay lên bàn, gõ gõ ngón tay, lại đắn đo rất lâu rồi mới mở miệng nói: “Tôi biết, cậu trai trẻ có thể nghe thấy tiếng khóc đó thì có lẽ là người có năng lực, ít nhất cũng từng học vài kĩ năng gì đó. Cậu nán lại ở Hối Hương lâu một chút thì chắc có nghe được người ở chỗ chúng tôi nói thế nào về loại người như cậu rồi.”
Đoạn mở đầu như vậy khiến tôi không hài lòng lắm.
Nhưng dù sao thì khi trò chuyện cũng cần có câu mở đầu mới có thể tiếp tục nói chuyện được.
Trong lòng ông lão hình như có rất nhiều khúc mắc, sau khi nói những lời vớ vẩn đó xong, mới vô lực mà lắc đầu.
“Cậu có từng nghe câu chuyện về thôn bên cạnh hay chưa? Câu chuyện về thôn Quẹo Cổ đó.” Lần này ông lão quay sang đối mặt với tôi, không còn lẩn tránh ánh mắt nữa.
Tôi có chút giật mình, gật đầu, “Có từng nghe một chút.”
Tôi kể sơ qua về câu chuyện mà bảo vệ từng kể.
Ông lão không ngừng gật đầu, lắc đầu, đợi tôi nói xong rồi mới nói: “Đó là một đoạn ở giữa trong câu chuyện về thôn Quẹo Cổ. Câu chuyện mà tôi nghe được hồi nhỏ, là câu chuyện về thôn Quẹo Cổ hồi trước.”
Cách dùng từ mà ông ta dùng không chính xác lắm, nhưng về sau khi kể chuyện thì lại rất rõ ràng logic.
Câu chuyện mà ông ta kể, nói một cách đơn giản chính là “Nguồn gốc của thôn Quẹo Cổ.”
Theo lời kể của ông lão thì câu chuyện đó là vào triều đại trước. Cũng là có một “vị khách lạ” đến Hối Hương, rồi tìm đường tới thôn Quẹo Cổ. Người đó bị kẻ thù đuổi giết nên trốn đến đây, ẩn náu mấy ngày ở trong thôn thì bị kẻ thù tìm tới nơi. Trong thời gian vài ngày, người đó miệng lưỡi giảo hoạt nên đã nói dối được tất cả mọi người trong thôn, khiến họ tin anh ta là một người tốt, bị kẻ gian hãm hại, bị kẻ quyền thế ngang ngược đuổi giết, có một quá khứ khiến người ta xúc động. Người trong thôn bị anh ta lừa gạt, liền giúp anh ta ẩn giấu hành tung. Anh ta được người trong thôn sắp xếp trong một cái động trên một ngọn núi nhỏ ở đằng sau thôn. Cái động đó là hang đá tự nhiên, ngoài những con dơi ra thì không có con vật nào khác. Người trong thôn giúp anh ta lừa những kẻ đuổi giết đi, để anh ta ở lại trong thôn, sống qua nốt quãng đời còn lại. Anh ta từ chối đầy vẻ chính nghĩa lẫm liệt, nói là muốn rửa sạch oan ức cho bản thân.
“... Sau khi người đó đi khỏi, trong thôn lại yên ổn thái bình. Nào ngờ, có nơi bị thiên tai, vì thế liền có dân tị nạn chạy tới Hối Hương. Người ở Hối Hương ăn còn không đủ no, nên không thể tiếp tế những người dân tị nạn này. Nơi mà dân tị nạn muốn tới cũng không phải là Hối Hương mà là thành phố lớn sung túc cơ. Nhưng khi bọn họ sắp rời khỏi Hối Hương thì có những kẻ buôn người đuổi tới Hối Hương, muốn mua một ít người hầu cho những nhà giàu có, còn muốn chọn một số bé trai bé gái dễ thương để đưa đến những chỗ làm ăn trên thân xác. Có một bé gái bị kẻ buôn người nhắm trúng. Cha mẹ cô bé không đành lòng, chính cô bé cũng không muốn. Kẻ buôn người đó liền cưỡng ép bắt cô bé đi. Cha mẹ cô bé còn có những đứa con và người thân khác nên chẳng còn cách nào cả. Cô bé đó là một người thông minh cơ trí, nhân lúc kẻ buôn người không chú ý liền trốn ra. Thôn Quẹo Cổ.... Khi đó vẫn chưa có tên là thôn Quẹo Cổ, cũng không biết tên là gì nữa. Người trong thôn đó thấy cô bé đáng thương, liền sắp xếp cho cô bé ở trong cái động đó để trốn. Kẻ buôn người kia bỏ tiền ra để mua cô bé, bây giờ bị chạy mất chắc chắn là không cam lòng, liền đi khắp nơi tìm kiếm. Bọn họ còn vô cùng quyết tâm, treo thưởng nếu như có ai giao người ra thì bọn họ sẽ cho tiền.”
Ông lão kể lôi thôi một hồi tới đó, có chút bùi ngùi, “Cũng thật là trùng hợp, cái người vùng khác đó cũng ở trong đám người tị nạn. Anh ta vốn bởi vì từng huênh hoang khoác lác khi rời đi, bây giờ lại sa cơ, nên không muốn gặp phải người trong thôn. Khi nghe thấy kẻ buôn người nói như vậy, lại nghĩ đến số tiền thưởng đó, liền bị ma xui quỷ khiến đi vào trong thôn dò la một chuyến. Anh ta lừa gạt hết những người trong thôn nên bọn họ liền tin lời nói dối của anh ta, nói cho anh ta biết đứa bé đang trốn ở trong sơn động. Anh ta liền chạy tới sơn động xem thử. Xác nhận là cô bé đang ở bên trong, anh ta liền dẫn người của kẻ buôn người kia đi tới bắt. Đứa bé gái đó là người kiên cường, thấy mình không thoát nổi, liền tự đập đầu chết trong sơn động. Cô bé biến thành ma, oán khí ngút trời xanh, bao vây trong sơn động, khiến người trong sơn động hoàn toàn không thể đi ra. Khi bọn chúng đang sợ hãi thì người trong thôn biết chuyện, liền chạy tới đó để giúp đỡ. Bọn họ vừa mới đi vào, thì cái người đó liền nghĩ ra một biện pháp xấu xa. Anh ta kêu kẻ buôn người chặt đầu hết mấy người trong thôn vừa mới đi vào, dùng máu để trấn áp oán khí. Đầu của những người đó bị đóng lên trong sơn động, thi thể thì bị vứt trên mặt đất, máu chảy lênh láng. Làm như vậy xong thì quả nhiên oán khí đã bị áp chế. Bọn chúng trốn ra ngoài, nhưng sơn động đó liền trở nên đáng sợ, trong thôn cũng bị nhiễm tà khí, sau đó những đứa trẻ được ra đời sau khi lớn lên thì đều bị quẹo cổ, giống như là cái đầu sắp bị chặt đứt vậy.”
Chuyện này nghe có vẻ không chỉ có liên quan tới thôn Quẹo Cổ mà còn có một chút liên quan đến quy luật ma Hối Hương chỉ giết những người vùng khác và những khách quái dị nữa.
Chẳng lẽ, cái người dẫn đường đó là hồn ma chết ở trong sơn động sao? Còn những người bị mất tích đều bị bắt vào trong cái sơn động đó ư?
Trong lòng tôi có chút kích động.
“Câu chuyện mà cậu nghe được đó là chuyện về sau này. Vị đạo sĩ đó chết ở trong thôn, nghe nói là chết ở bên trong sơn động.” Ông lão nói tiếp, “Nhưng mà không có ai dám đi vào sơn động để xem thử. Cái nơi đó không có ai tới, cũng không ai dám tới, nếu tới thì có thể sẽ không trở về được nữa.”
Trang Hoài thấy câu chuyện của ông lão dường như đã đến đoạn kết rồi, liền lên tiếng hỏi: “Theo như ông nói thì đây là đoạn đầu và đoạn giữa của câu chuyện về thôn Quẹo cổ, vậy đoạn cuối thì sao?”
Ông lão trầm ngâm một lúc, “Đoạn cuối là tôi nghe đứa con dâu kia của tôi kể. Nó cũng chỉ nghe đồn về những chuyện xảy ra trong mấy năm gần đây thôi. Nói là người trong thôn Quẹo Cổ vốn đã dọn đi, một số cô hồn dã quỷ chiếm lấy cái thôn đó. Các cậu qua đó mà xem, mấy căn nhà kia đều bỏ trống, thực ra thì bên trong đều có ma ở, có đôi khi còn nghe thấy tiếng động của ma nữa.”
Ông ta nói xong liền lắc đầu, “Mấy tháng trước tôi mới qua đó xem một lần, nhưng không nghe thấy tiếng động của ma.”
Ông lão này rõ ràng là có chút năng lực, có thể nghe thấy tiếng ma khóc, nói không chừng còn có con mắt âm dương, nên vô cùng tự tin.
Ông ta không quá đồng ý với câu chuyện về thôn Quẹo Cổ này.
Nhưng mà ông ta lập tức chuyển đề tài.
“Khi lần đầu tiên tôi nghe con dâu của tôi kể như vậy thì cũng là lúc núi Khóc Mộ ở bên cạnh có thay đổi. Cậu cũng nghe thấy tiếng khóc thảm thiết đó rồi đấy. Trước đây cả năm chỉ nghe thấy tiếng khóc đó hai ba lần vào những ngày cố định thôi, đó là những ngày tảo mộ. Những lúc khác cũng có thể ngẫu nhiên nghe thấy tiếng khóc văng vẳng. Nhưng kể từ lúc đó bắt đầu thì có thể thường xuyên nghe thấy tiếng khóc tang thảm thiết. Con ma ở đó giống như đột nhiên trở nên...” Ông lão nhất thời không nghĩ ra được từ nào thích hợp.
“Trở nên hoạt động mạnh rồi.” Tôi ngơ ngẩn nói.
Ông lão nhắc lại từ “hoạt động mạnh” hai lần, rồi gật đầu, “Không sai, không sai.”