Tuy là thiên tai, nhưng không có tổn hại về mạng người, cho nên bên chỗ núi Khóc Mộ không bị phong tỏa hoàn toàn. Chính quyền ở Hối Hương bận rộn sấp mặt, một đống chuyện lạ cùng rủ nhau ập đến một lúc. Hối Hương cũng chẳng phải địa phương lớn, thực sự đang thiếu người, lực bất tòng tâm.
Chuyện này trái lại đã đem đến cơ hội cho tôi.
Vẫn là Trang Hoài lái xe, đưa tôi và Lữ Xảo Lam cùng đến gần núi Khóc Mộ, hơn nữa chỉ ngay ngày hôm sau khi nhận được tin thì chúng tôi đã xuất phát luôn.
Lữ Xảo Lam ngồi trên xe cứ há mồm trợn mắt, cả người ngơ ngẩn. Trong ba lô mà cô ấy đang ôm, hai con gấu Teddy thò đầu ra, ba con mắt thủy tinh đều nhìn chăm chăm cảnh tượng bị san thành bình địa ở bên ngoài.
Tôi và Trang Hoài cũng chẳng tốt hơn bao nhiêu.
Giống như trong tấm ảnh, núi Khóc Mộ thật sự đã bị ai đó đè bẹp. Chỉ có dấu vết còn lại của cây cối mới có thể minh chứng cho chỗ này vốn dĩ đã từng có một ngọn núi.
Trong thôn làng dưới chân núi Khóc Mộ, tiếng người ồn ào vang vọng. Rất nhiều người đã thu dọn hành lý di chuyển ra khỏi thôn. Có một vài người chỉ huy quản lý trật tự, cũng chẳng biết đó là cán bộ ở địa phương hay người do chính quyền Hối Hương cử đến.
Trong đám người đông đảo ấy, tôi cũng nhìn thấy bà chủ của khu du lịch kia. Bà ta đang đi một mình, vẻ mặt không phải là sợ hãi sau một phen hú vía, mà là tức giận. Bà ta dùng tiếng địa phương chửi bới gì đó, còn chỉ chỏ mấy người đang giữ trật tự nữa. Những người xung quanh bà ta cũng cùng chung mối giận với bà ta.
Trang Hoài dừng lại, ba người chúng tôi xuống xe đến gần núi Khóc Mộ, vẫn chẳng có ai ngăn cản. Mấy nhân viên đang khảo sát hiện trường trông thấy Trang Hoài đang mặc đồng phục cảnh sát, đều chỉ liếc nhìn một cái rồi tiếp tục công việc.
Nhân viên khảo sát và cứu trợ không đông, chỉ lưa thưa vài người, dù họ có muốn phong tỏa chỗ này, có lẽ cũng không làm nổi. Dẫu sao thì trong thành phố cũng đang bị ngập, nếu xét mức độ nặng nhẹ thì cứu trợ trong thành phố vẫn quan trọng hơn.
Tôi bước chân lên mặt đất lồi lõm tiến về phía trước, đi mãi nhưng chẳng có phát hiện gì.
Không âm khí, không thi thể, cũng không có bất kì thứ gì khác thường.
Tôi vốn cho rằng chuyện này do người dẫn đường làm. Trong lời kể của hồn ma thiếu niên, gia đình cậu ta là vua ở đất Hối Hương, còn được người Hối Hương thờ phụng, chắc là được ví như thần thánh rồi. Những chuyện tương tự như thế trong lịch sử đất nước cũng không hề hiếm. Dù cho thời nay có rất nhiều thần tiên, nhưng cũng đều từ các danh nhân lịch sử mà ra. Ví dụ như thần tài, thần nghèo… Lên mạng thử tra cứu một chút sẽ nhận ra họ đều có tên tuổi đàng hoàng. Còn có cả chuyện nhiều danh nhân khác nhau cùng dùng chung một danh hiệu nữa.
Nếu đổi thành trước đây, tôi nghe kể những chuyện này thì chắc cũng chỉ xem chúng như mấy câu chuyện cổ mà thôi. Giỏi lắm thì chúng cũng chỉ là những điển cố lịch sử. Nhưng sau khi tiếp xúc với Thanh Diệp, trải qua nhiều chuyện, đặc biệt là sự kiện “trò chơi” kia đã khiến tôi không khỏi sinh lòng cảnh giác.
Tổ tiên của hồn ma ấy nói không chừng cũng tồn tại từa tựa như “trò chơi” kia, có chút bản lĩnh. Nếu không bằng thì chắc cũng xấp xỉ với hồn ma Hàn Vân đã lừa đảo rất nhiều trẻ con kia, vượt khỏi trình độ của ma quỷ thông thường.
Người dẫn đường hình như là người từ nơi khác đến, tổ tiên của hồn ma thì lại là người đứng đầu ở địa phương, hai bên gặp nhau đã xảy ra chuyện gì, không nói cũng rõ rồi.
Tôi nhớ lại cánh cửa dị không gian trong sơn động, rồi nhìn ngọn núi đã sụp đổ, lòng không khỏi trĩu nặng.
Không cần phải suy nghĩ kỹ làm gì, sau cơn mưa lớn kia tôi đã hiểu ra được. Tôi phá vỡ niêm phong ở cửa sơn động, đem mấy bộ xương ra ngoài, khiến cho những hồn ma ở núi Khóc Mộ hành động. Mà tôi đã dùng năng lực thay đổi cửa vào của dị không gian đó, có lẽ chính là nguyên nhân khiến cho núi Khóc Mộ biến thành đất bằng.
Tiếp tục đi về phía trước, Trang Hoài phát hiện một vài thứ.
Chúng tôi chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” một chuyến, còn những người khảo sát hiện trường chưa đến chỗ này. Họ cũng có thể được xem như đội cứu hộ, chủ yếu là tìm xem có người chết hay không, còn lý do tại sao xảy ra chuyện này thì có lẽ sẽ không đủ năng lực để điều tra ra.
Trang Hoài là cảnh sát hình sự, năng lực khảo sát trái lại rất tốt. Anh ta kéo một tảng đá ra khỏi bùn, đầu viên đá đã vỡ, nhưng chữ khắc trên đó thì vẫn còn rõ, đó là chữ “mộ”.
Trên đỉnh Khóc Mộ này có rất nhiều mồ mả.
Bây giờ chắc chúng tôi đang bước chân lên những nấm mồ đã hư hoại.
Lữ Xảo Lam cứng nhắc rời khỏi chỗ cũ vài bước.
Trang Hoài lùa tay, lại moi ra được vài viên đá nữa.
Đất ở đây rất tơi xốp, có vật cứng thì rất dễ dàng phát hiện.
Trang Hoài lau chùi sơ sơ mấy viên đá, làm lộ ra những chữ cái khắc bên trên đang bị bùn lầy che lấp.
Khá nhiều chữ trên mấy phiến đá bị mất đi. Có điều, chữ tượng hình có một ưu điểm, đó là dù có thiếu một bộ phận thì vẫn có thể dễ dàng đoán ra nội dung của chữ đó. Nếu đổi lại là chữ viết, khi bị vỡ như vậy thì bây giờ chúng tôi chắc phải chơi trò xếp chữ mất.
“Đều là chữ khắc trên bia mộ.” Trang Hoài đẩy đống đá qua một bên.
Ba chữ “của”, “mộ” và “họ” đều xem như là chữ thường thấy trên bia mộ, chỉ cần nhìn một góc chúng tôi cũng có thể đoán ra. Còn lại chắc là tên họ của chủ nhân nấm mộ, những chữ đó khá đa dạng.
“Đây là họ.” Trang Hoài nói.
“Chu?” Tôi không chắc lắm.
Hai lần gặp mặt, nhưng hồn ma đó không hề nói nhà mình họ gì.
Chúng tôi chẳng còn phát hiện gì thêm, nếu muốn đào sâu xuống nữa thì với sức của ba người cũng không làm nổi.
Trên đường trở lại thôn, Trang Hoài đã báo lại một tiếng với nhân viên khảo sát hiện trường những phát hiện của chúng tôi. Họ cũng chẳng mấy quan tâm. Công việc của họ vẫn là kiểm tra xem có người dân gặp nạn hay không.
Người trong thôn bây giờ vẫn chưa dọn đi hết, có người còn đang mày mò muốn dọn hết đồ đạc trong nhà đi, bị mấy người khác vây quanh khuyên can hết lời.
Tôi chợt nhớ ra, bước đến hỏi thăm họ về chủ nhân của những nấm mộ trên núi Khóc Mộ.
“Chủ nhân?” Hai trung niên đang làm công tác quần chúng tỏ ra ngơ ngác.
“Chỉ nghe người già nói trên núi có ma, còn những chuyện khác thì không biết đâu.”
Một dân làng lưng mang bao to bao nhỏ sấn đến, nhưng cũng bảo là không biết.
“Mấy năm trước thì cũng có người lên xem thử rồi. Bọn trẻ con tò mò còn muốn xem thử con ma nó ra làm sao. Chỉ có điều chẳng thấy gì cả, cả mộ cũng không thấy.”
“Nghe kể là có mộ lớn lắm, các cụ đời trước đều bảo thế, bằng không thì chuyện ma khóc mộ ở đâu ra? Nhưng chưa có ai nhìn thấy cả.”
“Cũng không phải là không có gì, vẫn có một vài cái mộ ở đó, nhưng không biết là của ai.”
Đám đông nhao nhao lên, nhưng đều không giải thích được chúng từ đâu mà có.
Tôi chuyển qua hỏi vị thần được thờ trong miếu trước đây, họ cũng bảo là không rõ. Trong mắt họ, tượng thần trong miếu chỉ là vậy, cũng mắt lim dim, râu tóc dài, sắc mặt hồng hào, mặc áo bào lớn màu đỏ, chỉ là bức tượng thần rất truyền thống và điển hình.
Tôi thấy khá nản.
Trang Hoài nói: “Trong Cục lưu trữ tư liệu của Hối Hương chắc là có ghi chép lại.”
Tôi gật đầu, “Nếu kiếm được địa phương chí ở nơi này thì có thể tra ra rõ ràng rồi.”
Tra rõ ra rồi thì để làm gì, nhất thời tôi cũng chưa nghĩ ra.
Trận mưa lớn hôm qua khiến trong thôn cũng bị ngập, tuy nước đã rút rất nhanh, nhưng họ đều không biết núi Khóc Mộ sụp đổ thế nào. Dù cho người dẫn đường có đến thật thì cũng không chắc là họ có thể nhìn thấy, càng không thể chỉ rõ phương hướng cho tôi.
Tôi thấy đau đầu vô cùng, nhưng chuyện tôi có thể làm được lúc này cũng chỉ là nắm chắc lấy manh mối ấy.
Kiếm cho ra người dẫn đường thì mới có thể tìm được đám Trần Hiểu Khâu đã mất tích.