Trần Hiểu Khâu có lẽ đã đoán được nguyên nhân khiến tôi cứ trầm mặc suốt một đường, cô ấy không nhìn tôi mà chỉ bình tĩnh nói: “Chẳng phải anh đã nghe thấy âm thanh đó sao?”
Sắc mặt tôi lập tức trở nên khó coi, nhìn chăm chăm vào Trần Hiểu Khâu.
Cô ấy nhấc tay lên ấn nhẹ vào ngực mình.
Tách tách tách…
Tôi lại nghe thấy tiếng chuông gió bằng gỗ đó, không khỏi kinh ngạc: “Cái thứ đó ở…”
“Vâng. Vốn dĩ được treo trong nhà, nhưng không biết tại sao…” Trần Hiểu Khâu nói, “Đại khái là treo được tầm hai ba ngày thì không thấy cái chuông gió đó đâu nữa. Em cũng chẳng biết đâu mất rồi, mãi đến lúc gặp phải chuyện này, em mới cảm thấy cái chuông rung lắc, phát ra âm thanh.”
Tôi căng thẳng hỏi: “Em có thể khống chế được nó không?”
Trần Hiểu Khâu trầm ngâm một lát rồi trả lời, “Lúc ở Hối Hương thì nó tự phát ra tiếng kêu. Nhưng em cảm thấy chắc là mình có thể khống chế nó được.”
Tôi không kìm được, nói ngay: “Như vậy không ổn. Cái chuông gió này dùng để gọi hồn mà, để trên người em…”
Lúc ở Hối Hương, nó đã phát ra tiếng kêu hai lần, một lần ở trong căn phòng của Cục lưu trữ, một lần ở trên núi Khóc Mộ. Phải nói là hai lần đó đều giúp tôi. Theo những ghi chép trong hồ sơ của Thanh Diệp thì cái chuông gió này cũng không hẳn là một tà vật. Nó không có ác ý với con người, vấn đề là ở hậu quả xảy ra từ công dụng của nó.
Công dụng của nó chính là gọi hồn và dẫn hồn. Nếu gọi đến một hồn ma không có ác ý thì không sao, nhưng không may gọi phải một hồn ma kiểu như người dẫn đường thì chẳng phải Trần Hiểu Khâu thảm rồi sao?
Tuy bây giờ tôi không thấy trên người cô ấy có âm khí, cũng không thấy có hồn ma, nhưng không thể không lo được.
Tôi mạnh mẽ phản đối chuyện này, cũng càng cảm thấy hoảng sợ.
Thứ này là Diệp Thanh đưa cho cô ấy.
Tôi lập tức hỏi Trần Hiểu Khâu quá trình Diệp Thanh giao chuông gió cho cô ấy. Đúng như tôi nghĩ, là chính tay Diệp Thanh đặt nó vào tay của Trần Hiểu Khâu, chứ không phải bảo cô ấy tự mở thùng giấy lấy ra.
Tôi kéo Trần Hiểu Khâu, muốn đến phòng nghiên cứu tìm Diệp Thanh. So với Trần Hiểu Khâu là người trong cuộc, nhưng rõ ràng tôi còn lo lắng hơn.
Cô ấy cũng mặc cho tôi kéo đến tầng 6 tòa lầu số 6.
Tôi lấy chìa khóa mở cửa, ổ khóa sắt phát ra âm thanh “két két”, tiếp sau đó là tiếng mở cửa “kẽo kẹt”, âm thanh rất nhẹ, nhưng cánh cửa này dù gì cũng đã cũ, hơn nữa đã lâu rồi không được sử dụng đến, trục cửa đã hơi bị rỉ sét, sẽ phát ra âm thanh.
Tôi đã rất quen với những âm thanh này, bao gồm cả luồng âm khí từ trong phòng tỏa ra, tôi cũng lấy làm bình thường.
Thế nhưng trong khoảnh khắc mở cửa đó, tôi nghe thấy tiếng chuông vang lên.
Cũng giống như loại chuông được trang trí ở bên trên cánh cửa của các cửa hàng nhỏ, lúc tôi mở cửa ra chợt nghe thấy loại âm thanh đó.
Tôi ngỡ ngàng ngước đầu nhìn lên, phía trên cửa đâu có chuông gì.
Sau khi cẩn thận đi vào bên trong phòng nghiên cứu, cái tiếng chuông đó vẫn không ngừng vang lên, dù cửa chính đã mở hoàn toàn, hơn nữa nó còn vang lên có tiết tấu nữa.
Tôi quay đầu nhìn về phía phát ra âm thanh.
Cuối hành lang là một khoảng không gian tối như mực.
Tiếng chuông phát ra từ đó, còn có cả tiếng vọng lại.
Tôi bảo Trần Hiểu Khâu đứng đợi ở cửa, còn mình thì đi vào hẳn bên trong phòng nghiên cứu.
“Diệp Thanh?” Tôi kêu lên một tiếng, nhưng chẳng nhận được hồi âm.
Cảm nhận thật kĩ sẽ thấy âm khí trong Thanh Diệp vẫn lạnh lẽo như xưa, khiến người ta dễ chịu hơn nhiều so với âm khí đặc quánh ở Hối Hương.
Xem ra, cuối hành lang chắc là tranh chứ không phải cánh cửa.
Nhưng khi tôi bật đèn pin điện thoại lên soi thì mới giật mình trông thấy một cánh cửa gỗ.
Một cái chuông từ trên khung cửa rũ xuống, tôi không nhìn thấy cây đinh treo nó, càng không thấy nó đung đưa, nhưng lại nghe thấy nó đang phát ra âm thanh leng keng.
Càng khiến tôi nổi gai ốc hơn chính là cái chuông đó rất quen, bên trên còn có vài vết nứt, hình như đã bị rớt bể, rồi được ai đó chắp vá lại.
Leng keng… Leng keng….
Dãy hành lang tối om, cánh cửa đóng kín mít, chiếc chuông không hề nhúc nhích, nhưng tiếng chuông cứ lanh lảnh vang lên không ngớt…
Tôi lùi lại một bước, chợt cảm thấy hình như lưng mình chạm phải vật gì đó lạnh ngắt.
Tôi quay phắt lại, điện thoại trên tay cũng theo đó chiếu về phía trước.
Trong ánh sáng, một cái bóng vụt qua.
“Diệp Thanh?” Tôi run rẩy hỏi.
“Hừ…” Là giọng của Diệp Thanh, kèm theo đó là tiếng cười mỉa mai quen thuộc.
Tôi thấy nhẹ cả người, bất giác nhớ lại cảnh tượng vừa thấy khi nãy, tôi vội quay đầu lại, cánh cửa và chuông gió vẫn còn đó, tiếng chuông vẫn không ngừng.
“Đó là… Sao anh lại…” Tôi cảm thấy khó thể tin được.
Nếu tôi đoán không nhầm thì đó là cái chuông của Pháp Liên Đạo Nhân. Đúng ra nó đã bị vỡ và được cảnh sát ở Hối Hương thu thập mang về kho lưu trữ vật chứng rồi.
Nhưng sao bây giờ…
Tôi biết có lẽ Diệp Thanh đủ bản lĩnh để rời khỏi Phòng Nghiên cứu và cũng đủ bản lĩnh để lấy một số đồ cổ quái quý hiếm về. Nhưng tôi mới thấy cái chuông này vài hôm trước ở Hối Hương, cách đây tận hơn nửa ngày đường mà! Đã thế nó còn được sửa lại đàng hoàng nữa…
Đầu tôi cảm thấy không đủ dùng, cứ có cảm giác trong đây ẩn chưa bí mật gì đó.
Diệp Thanh có lẽ còn mạnh mẽ hơn tôi tưởng.
Anh ta không bị liên lụy từ những gì mà tôi đã trải qua lần này sao? Lúc tranh đoạt quyền khống chế tôi với hồn ma của Pháp Liên Đạo Nhân, anh ta không phải thắng một cách khó khăn sao?
“Đây là chuông trấn tà.” Diệp Thanh đột nhiên nói một câu, “Bây giờ cậu nên rời khỏi đây đi.”
Tôi nghe ra được ý trong câu nói của anh ta rồi.
Không cần anh ta giải thích nhiều, thông qua những gì đã trải qua mấy lần trước đó, tôi đã có thể chắc chắn trăm phần trăm ở phía bên kia cánh cửa đang nhốt một thứ gì đó còn ghê gớm và tà ác hơn cả người dẫn đường.
Tác dụng mà chiếc chuông mang lại có lẽ là không để cho luồng âm khí cực tà ác ở bên trong xông ra ngoài.
Diệp Thanh không hề có ý giải thích chiếc chuông từ đâu mà có.
Tôi vẫn còn muốn hỏi chuyện có liên quan đến chuông gió trên người Trần Hiểu Khâu nữa.
Tựa như Diệp Thanh đã nhìn ra mục đích của tôi, nên lạnh lùng nói: “Về vấn đề mà cậu muốn hỏi thì cậu nên đi hỏi cô gái đó.”
Tôi ngớ ra.
“Rời khỏi đây.” Diệp Thanh nói.
Tiếng chuông trở nên dày đặc hơn.
Lúc này tôi không dám nán lại thêm nữa, đành nén nỗi ngờ vực xuống mà rời khỏi Phòng Nghiên cứu.
“Rầm” một tiếng, cánh cửa Phòng Nghiên cứu đóng sầm lại sau lưng tôi.
Tôi nhìn về phía Trần Hiểu Khâu đang đợi ngoài cửa.
Vẻ mặt cô ấy hình như đang suy tư gì đó.
Tôi nghĩ cô ấy đã nghe được câu nói của Diệp Thanh khi nãy.
Trần Hiểu Khâu trầm ngâm: “Trong ấn tượng của em thì em chưa hề trải qua sự kiện quái dị nào. Có lẽ là vào lúc em còn nhỏ… Mẹ và ông bà hai bên chắc là không biết. Nhưng có khả năng… chỗ cha và chú út em…” Cô ấy ngừng một lát, “Em sẽ hỏi thử xem sao.”
Tôi cũng chỉ có thể chờ cho Trần Hiểu Khâu hỏi xong thì mới biết rốt cuộc là xảy ra chuyện gì.
Chỉ là không ngờ chuyện này còn dính líu đến trong nhà của Trần Hiểu Khâu. Nó khiến cho lòng tôi càng thêm ưu sầu hơn.
Cổ Mạch thường nói, những người như chúng tôi gặp phải những chuyện như thế âu cũng là báo ứng, do đời trước tạo ác, kiếp này phải trả. Cơ mà tôi không nhớ kiếp trước mình đã tạo những tội ác gì và cũng không cảm thấy mình có thể làm được những chuyện như giết người phóng hỏa. Nhưng Cổ Mạch có vẻ hoàn toàn tin điều này, mặc dù mỗi lần nhắc đến, giọng điệu đều là mỉa mai đùa cợt, nhưng vẫn bộc lộ được quan điểm của anh ta. Anh ta còn nói, người thân của những người như chúng tôi cũng không phải vô can, bằng không sao lại sinh vào chung một nhà, sống gần bên nhau.
Nói mới nhớ, lời Diệp Thanh nói rốt cuộc là muốn hỏi bản thân Trần Hiểu Khâu đang giấu tôi chuyện gì hay là hỏi Trần Hiểu Khâu đã trải qua những gì trong hơn hai mươi năm nay?
Trần Hiểu Khâu đương nhiên nghĩ ngay đến khả năng sau.
Nhưng nếu là khả năng trước…
Tôi lắc đầu, xua tan ý nghĩ đó.
Sau khi trải qua sự hành hạ của tác dụng phụ, rồi đánh mất sự tin tưởng đối với Diệp Thanh, lẽ nào tôi còn sinh ra lòng nghi ngờ với cả Trần Hiểu Khâu sao? Cô ấy hoàn toàn không có lý nào lại làm vậy.
Hai chúng tôi rời khỏi Phòng Nghiên cứu.
Tôi lái xe đưa Trần Hiểu Khâu về, rồi bản thân cũng trở về nhà.