Sau đó không lâu, chiếc bàn trống còn lại duy nhất của quán thịt nướng cũng đã có một nhóm nam sinh đến ngồi.
Họ chọn xiên nướng, kêu thêm vài chai bia, uống mấy hớp rồi bàn tán về chuyện vừa xảy ra trong trường Đại học Dân Khánh.
“… Giáo viên đó hình như là bị di truyền, trùng hợp phát tác đấy.”
“Thế là may rồi. Chưa kết hôn, biết sớm một chút đỡ phải liên lụy một đời người khác.”
“Gì chứ, đăng kí kết hôn cả rồi, chỉ là chưa làm đám cưới thôi.”
Tôi nghe đến ngơ ra, không khỏi ngoái đầu nhìn về phía bàn bên cạnh một cái.
Mấy nam sinh đó xem ra đã trưởng thành, chí ít không thể nào là sinh viên mới nhập học được.
Tí Còi và Gã Béo cũng đã quay qua nhìn.
Động tác này của chúng tôi khiến mấy nam sinh kia chú ý.
Tí Còi nói chuyện như quen biết đã lâu: “Mấy anh em, các cậu đang nói chuyện xe cứu thương vào trường khi nãy à?”
Nam sinh đầu đinh gật đầu, không giấu giếm: “Đúng vậy. Các anh nghe thấy tiếng xe cứu thương rồi à?”
“Không chỉ nghe, mà còn thấy nữa. Có cả xe cảnh sát nữa mà, có điều là không biết chuyện gì ấy nhỉ?” Tí Còi tỏ vẻ tò mò hỏi.
Trong lòng tôi cũng cảm thấy hiếu kỳ.
Nghe cuộc trò chuyện vừa rồi, người gặp chuyện rất có khả năng là đôi tình nhân chụp ảnh cưới mà chúng tôi gặp khi nãy. Như vậy thì đúng thật là xui xẻo. Đang chụp ảnh cưới mà bên nữ phát bệnh, vốn dĩ là một chuyện vui vẻ nhưng đột nhiên lại biến thành tai nạn.
Mà không thể không công nhận, tò mò là bản năng của loài người.
Đám nam sinh bàn bên không ngại chúng tôi là người lạ, cứ thoải mái mà kể ra.
“Lúc đang chụp ảnh cưới thì cô giáo đó phát bệnh. Nghe nói là bệnh thần kinh.” Nam sinh đầu đinh xuýt xoa, “Chẳng hiểu gì đột nhiên ra tay, còn có cả máu nữa. Người ta bèn gọi cảnh sát và xe cứu thương, đưa người đi cả rồi.”
“Ồ. Cô giáo đó còn là giáo viên của trường các cậu à? Lúc vào nhậm chức chưa khám sức khỏe hả?” Tí Còi gật đầu.
Cậu đầu đinh ngơ ngác: “Các anh không phải học sinh trong trường bọn em à?”
“Không, chỉ đi đưa người nhà tới thi thôi. Hôm nay chẳng phải kỳ thi chiêu sinh tự do đấy sao?” Tí Còi nói.
“Vậy à.” Cậu đầu đinh trả lời câu hỏi khi nãy của Tí Còi, “Xét nghiệm hay chưa thì không biết. Nhưng cặp đôi đó thực chất đều tốt nghiệp ở trường tụi em ra, còn chung một nhóm học thạc sĩ nữa. Cô giáo ấy sau đó ở lại làm giáo viên của trường.”
Một cậu có kiểu tóc “úp nồi” bên cạnh bổ sung: “Nghe mấy thầy cô nói, xưa nay cô giáo ấy rất bình thường, chưa hề nghe nói bị bệnh thần kinh gì cả.”
“Có lẽ là chưa lần nào phát tác ở trong trường thôi.”
Chúng tôi nghe đến đây thì không còn hứng thú để hỏi tiếp.
Tí Còi quay lại, khe khẽ nói riêng với tôi và Gã Béo: “Em thấy ấy hả, không biết có phải trúng tà không nhỉ?”
Tôi và Gã Béo không khỏi liếc cậu ta một cái.
“Hai người nghĩ xem, trùng hợp như vậy sao. Chuyện này xảy ra trùng hợp như thế, đã vậy còn đúng lúc để chúng ta gặp phải.” Tí Còi xoa xoa hai cánh tay, tôi nhìn thấy tay cậu ta nổi hết cả da gà, “Nói đến mới nhớ, dạo gần đây chúng ta cứ gặp xui xẻo suốt. Hai vợ chồng Trần Lập và Trương Quỳnh gặp nạn, chú cháu Trần Hiểu Khâu cũng mới xảy ra chuyện, cả Tưởng Hựu nữa, bị ngộ độc thực phẩm phải đi rửa ruột.”
Vẻ mặt Tí Còi đầy mê tín hệt như mấy dì mấy thím trung niên, nói cái gì ra cũng đầy huyền bí.
“Không phải chứ?” Tôi ngập ngừng, “Nếu là xui xẻo thì cũng là chúng ta gặp xui xẻo chứ nhỉ, sẽ không phải loại trùng hợp gặp phải người không liên quan liền xui xẻo nha.”
“Nếu quả thật như anh nói thì chúng ta đáng lẽ phải bị nhốt ở chốn thâm sơn cùng cốc rồi.” Gã Béo nói.
Tôi lại thêm một câu: “Chúng ta cũng đâu phải Kim Hải Phong. Hay là cậu thấy, năng lực của Trần Hiểu Khâu là…”
Nói đến đây, ba người chúng tôi đều trố mắt nhìn nhau.
Năng lực kì lạ của Kim Hải Phong là tâm trạng của chị ta có thể ảnh hưởng đến dòng điện và các thiết bị điện. Cũng vì năng lực này mà chị ta thật sự đã từng tạo ra tai họa lớn với bao nhiêu cái chết thảm thương.
Những chuyện gặp phải gần đây, nhắc đến mới thấy đều dính dáng một chút đến Trần Hiểu Khâu.
Chuyện ở Hối Hương kia, người gặp nạn trước là chú của cô ấy, Trần Dật Hàm. Hơn nữa sau đó, số điện thoại mà ma gọi đến chính là gọi từ điện thoại của Trần Hiểu Khâu. Khi cô ấy đến Hối Hương cũng lập tức xảy ra chuyện. Còn vợ chồng Trần Lập rốt cuộc đã chết trước hay sau khi Trần Hiểu Khâu đến Hối Hương thì tôi còn chưa được xem báo cáo khám nghiệm tử thi, nên cũng chưa biết được thời gian cụ thể. Nhưng cái chết của hai vợ chồng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công tác di dời của chúng tôi. Còn như Tưởng Hựu, cái hôm mà Trịnh Vỹ chia bánh chưng, tôi nhớ mang máng người giao bánh cho Trần Hiểu Khâu chính là Tưởng Hựu. Có điều chuyện này cũng có thể là do kí ức của tôi bị sai lệch, suy nghĩ chủ quan đã ảnh hưởng đến kí ức khách quan rồi.
Ba người chúng tôi trầm mặc hồi lâu.
Mãi đến lúc bà chủ quán mang món xiên nướng lên thì tôi mới tằng hắng một tiếng, khiến Tí Còi và Gã Béo cũng định thần lại.
Nhóm Trần Hiểu Khâu lúc này cũng đã xách theo đồ về.
Ba thằng con trai chúng tôi nháy mắt ra hiệu với nhau, giả bộ như không có chuyện gì.
Nhóm Trần Hiểu Khâu ngồi xuống, bày thức ăn ra, quanh bàn liền xôm tụ hẳn lên. Không chỉ thức ăn được bày ra rất nhiều mà không khí cũng trở nên rộn rã hẳn.
Quách Ngọc Khiết và em gái tôi đều là mẫu người hoạt bát, cười đùa không ngớt.
Tôi đưa mắt khẽ nhìn Trần Hiểu Khâu một cái, nén cái suy nghĩ hồi nãy xuống thật sâu trong lòng, thò tay lấy miếng gà rán mà nhóm Trần Hiểu Khâu mua về ăn.
Nhưng vừa nhai một cái thì tôi liền biến sắc mặt, nhả miếng thịt ra ngay.
Em gái ngạc nhiên: “Sao thế anh hai?”
“Hư rồi, toàn vị chua.” Tôi nhăn mặt, chụp lấy chai nước ngọt họ mới mua về uống liền hai ngụm, nhưng cái vị chua đó cứ “lưu luyến” mãi trong miệng.
“Không phải chứ?” Quách Ngọc Khiết xiên miếng thịt gà, đưa lên mũi khẽ ngửi thử, “Có thấy mùi gì đâu?”
Tí Còi dùng hai cây tăm xé miếng thịt gà ra.
Bên trong miếng này giống hệt miếng tôi vừa ăn, thịt gà trắng ngần ươn ướt, không hề có chút dấu vết của thịt hư.
Quách Ngọc Khiết còn trực tiếp hơn, cắn miếng thịt mình đang ngửi một cái, mặt cũng biến sắc như tôi, rồi phun miếng thịt ra lập tức.
“Cái quái gì vậy trời!” Quách Ngọc Khiết thè lưỡi ra oán trách, rồi cũng chụp lấy chai nước ngọt uống liên hồi, nhưng mặt thì vẫn nhăn như khỉ ăn ớt.
Tí Còi ném hai cây tăm xuống ngay: “Mấy em mua ở đâu vậy?”
“Ở quán gà rán trước mặt kìa.” Quách Ngọc Khiết đứng dậy, xách túi ni lông lên, định đến cái quán đó tính sổ.
Tôi nói: “Để anh đi cùng đi.”
“Anh cũng đi.” Tí Còi rất tích cực.
Những người khác không đi hóng chuyện cùng chúng tôi, bảo ba người chúng tôi qua bên đó đi.
Quán gà rán trước mặt cách đây tầm mười mét, trong quán đã kín chỗ, trang trí cũng đẹp hơn bên quán thịt nướng này. Quán nướng theo phong cách hoàn toàn không trang trí. Và đường nhiên, quán gà rán này thì không cho mang thức ăn bên ngoài vào.
Quầy phục vụ chọn món được đặt ngay tại cửa vào. Trên vách phía trước và sau quầy phục vụ đều có treo thực đơn, với đủ loại món gà gán.
Lúc này trước quầy phục vụ có một nhóm khách ăn đang xếp hàng và cũng có một người giao hàng đang đợi nhận thức ăn để đi giao.
Quách Ngọc Khiết hùng hổ vượt qua mấy người đang xếp hàng, mấy học sinh đó còn chưa kịp lên tiếng khiếu nại thì cô ấy đã ném cái túi đựng gà rán lên trên quầy phục vụ, “Gà rán chỗ các người sao thịt lại chua như vậy? Đồ ôi thiu mà cũng đem đi bán là sao?”
Những người xung quanh đều ngơ ngác.
Cô gái thu ngân ở bên trong quầy phục vụ tỏ ra rất kinh ngạc.
Cô ấy lập tức phủ nhận, “Không thể nào. Gà rán của chúng tôi đều dùng nguyên liệu tươi ngon cả. Bao nhiêu người đang ăn kia kìa, chị hỏi họ thử xem có thấy vị chua không? Chị à, món chị mua có phải là gà rán chua cay hoặc là chua ngọt không?”