Nhung Quan Quan ngáp dài dụi mắt: “Anh, trời còn chưa sáng mà.” Cậu nhóc vểnh mông, chui vào tấm chăn êm ấm.
Nhung Lê đá vào chân giường, gắt giọng: “Thức dậy mau, anh dẫn em đi gặp mẹ em.”
Cơn buồn ngủ của Nhung Quan Quan bay biến ngay tức khắc, lập tức bò dậy, cặp chân ngắn củn thoăn thoắt xuống giường.
Trong tỉnh không có nhà tù dành cho tội phạm trọng hình, nên xế chiều hôm nay họ sẽ đưa bà Tô Mẫn đến Nam Thành, trước khi đi trại tạm giam đặc cách cho bà được gặp Nhung Quan Quan một lần.
Từ trấn Tường Vân đến huyện phải đổi nhiều chuyến xe, nếu may mắn tình trạng giao thông thông thoáng cũng phải mất bốn tiếng đồng hồ, đến đó thì đã hơn mười giờ.
Nhung Quan Quan mang theo kẹo Từ Đàn Hề cho cậu hôm qua, bỏ trong lọ thủy tinh còn to hơn cả đầu mình. Cậu không dám ăn một viên nào, đưa hết cho mẹ: “Mẹ, cho mẹ hết này.”
Do Nhung Quan Quan còn nhỏ, trại tạm giam đặc cách cho bà Tô Mẫn khi thăm nuôi không phải mang còng tay.
Bà Tô Mẫn mới hơn bốn mươi tuổi, hai bên tóc mai đã hoa râm, bà vặn nắp lọ, chỉ lấy ra một viên, “Mẹ ăn một viên là được rồi, còn lại Quan Quan giữ ăn đi.”
Nhung Quan Quan nghẹn ngào, cố không khóc.
“Quan Quan.”
Cậu thút thít vâng dạ.
“Sau này cứ ở chung với anh con, đừng sang nhà ông bà nội.”
Mẹ của ông Nhung Hải vẫn còn sống, nhưng bà không nhận Nhung Quan Quan, ông bà nội mà bà Tô Mẫn nói là nhà họ Hà.
Cậu nhóc rưng rưng nước mắt gật đầu, “Vâng ạ.”
Bà Tô Mẫn quay mặt đi, lau nước mắt, nghẹn giọng dặn dò con trai: “Còn nữa, phải nghe lời anh, biết không?”
“Con biết ạ.”
Bà ngồi xổm xuống, vuốt đầu con trai, “Chờ Quan Quan cao lớn là mẹ có thể về nhà rồi.”
Nhung Quan Quan rất muốn bật khóc, cố gắng kiềm nén, giọng non nớt nức nở: “Vậy phải cao lớn cỡ nào mới được?”
Bà Tô Mẫn lau nước mũi cho con, “Cỡ anh con là được.”
Cậu nhóc không kiềm được nữa, ôm lấy mẹ òa khóc, “Con sẽ ăn nhiều cơm, mau cao lớn...”
Nhung Lê đứng chờ ở ngoài phòng thăm nuôi, anh thèm thuốc, nhưng liếc nhìn bản hiệu cấm hút thuốc trên tường, ngón tay đành cọ quẹt bánh răng bật lửa.
“Anh Nhung.”
Là Trâu Tuệ, luật sư của bà Tô Mẫn.
Chị ta đã hơn ba mươi tuổi, mặc bộ đồ công sở chỉnh chu, “Anh có thể khuyên bà Tô Mẫn giúp tôi không? Bà ấy từ bỏ kháng án.”
“Soẹt” một tiếng, ngọn lửa màu xanh lam bùng cháy, anh không hề sợ nóng, bóp tắt nó bằng tay không: “Liên quan gì đến tôi?”
Giọng điều hờ hững, và thái độ bàng quan của anh làm Trâu Tuệ á khẩu.
Đúng là một người đàn ông vô tình.
Trâu Tuệ tìm từ thật lâu mới xúc động nói: “Chịu tù oan tám năm...”
Nhung Lê điềm nhiên ngắt lời chị ta: “Chị luật sư à.” Giọng anh bình thản như đang bàn về thời tiết, “Sao chị biết là bị oan?”
Trâu Tuệ nghệch mặt.
“Anh.”
Nhung Quan Quan ôm lọ kẹo đi ra.
Nhung Lê quay đầu đi đến phòng thăm nuôi. Bà Tô Mẫn muốn gặp riêng anh, cảnh sát nữ của trại giam bế Nhung Quan Quan khóc sưng mắt tạm tránh đi.
Nhung Lê đóng cửa lại, kéo ghế ngồi xuống.
Bà Tô Mẫn không lòng vòng, nói ngắn gọn: “Trong tủ bát có một hộp sắt, bên trong có một tấm thẻ, mã pin là ngày sinh của Quan Quan.”
Đó là số tiền ba bà bán nhà cửa hồi còn sống để dành lại, ông cụ không động đến một đồng, lúc hấp hối đưa hết cho bà.
“Đừng gửi gắm cậu nhóc cho tôi.” Nhung Lê từ chối.
Bà Tô Mẫn mắt đỏ hoe khẩn cầu: “Tôi không tin được người khác”
Buồn cười! Người như anh mà còn có người tin á? Dân trong nghề ai cũng biết, Nhung Lục gia ở Bắc Kinh chuyên bán nhân tính và bí mật.
“Không phải bà từng phát hiện khẩu súng dưới gối tôi sao?”
Tô Mẫn khẳng định, “Cậu sẽ không làm hại Quan Quan.”
Bà còn nhớ cảnh tượng lần đầu Nhung Lê gặp Quan Quan, trong ánh mắt lạnh nhạt kia ẩn chứa vẻ kinh ngạc, thương xót, tuyệt vọng, và cả sợ hãi. Anh như đang nhìn một bản sao khác của mình, Quan Quan bốn tuổi chính là hình ảnh anh thời bé.
“Sao lại không?” Nhung Lê cười khẩy tự giễu, trong giọng nói lạnh lùng mang theo vẻ uể oải cam chịu: “Bà chưa từng nghe câu, rồng sinh rồng, phượng sinh phượng sao? Bà biết thừa đức hạnh của Nhung Hải mà.”
Nhung Lê có rất nhiều kẻ thù, mấy năm trước tính mạng anh có giá đến chín chữ số trong giới sát thủ. Có điều, người muốn anh chết nhất chính là bản thân anh.
Anh còn không tự sát thì không có ai có tư cách đến giết anh cả. Cho nên ấy, anh vẫn sống đến hiện giờ.
“Cậu nói đúng, rồng sinh rồng, phượng sinh phượng.” Bà Tô Mẫn vẫn khăng khăng cho rằng anh là người đáng tin, “Hồi trẻ tôi từng gặp Bạch Thu, cậu giống hệt chị ấy.” Nhất là đôi mắt.
Nhung Lê không có tâm trạng nghe bà kể chuyện xưa, hạ giọng hỏi: “Ngày đó sao bà lại ra tay?”
Hôm vụ án xảy ra, Nhung Lê không ở nhà, có nhân chứng tận mắt chứng kiến Nhung Hải và bà Tô Mẫn xảy ra tranh chấp, hơn nữa hôm đó Nhung Hải thật sự đã uống rượu, trên người bà Tô Mẫn cũng có dấu vết bị đánh đập. Trâu Tuệ dựa vào những bằng chứng kia bào chữa cho bà Tô Mẫn giết người vì phòng vệ.
Tuy nhiên thất bại là vì bên viện kiểm sát tìm được tài liệu tìm hiểu tự vệ chính đáng có phải là tội phạm hay không trong di động của bà Tô Mẫn. Tài liệu này được tải về trước khi vụ án xảy ra, nên viện kiểm sát kết luận bà Tô Mẫn cố ý giết người, và ngụy trang thành phòng vệ chính đáng.
“Nhung Hải mang Quan Quan ra uy hiếp tôi, ông ta đòi lấy khoản tiền kia.” Bà Tô Mẫn siết chặt bàn tay, vẻ hận thù trong mắt không hề vơi đi vì đối phương đã chết, “Hơn nữa, ông ta càng lúc càng quá đáng, đánh tôi thì thôi, còn muốn ra tay đánh cả Quan Quan.”
“Bà nên chờ một chút.”
Nhung Lê đứng lên, chống tay xuống bàn, cúi người đổ về phía trước, hai dây mũ áo hoodie buông rủ chạm xuống mặt bàn, môi mấp máy thì thào: “Tôi đã chuẩn bị cả xăng rồi.”
Bà Tô Mẫn kinh hoàng: “Cậu, cậu trở về là muốn, muốn...”
Anh đưa ngón tay lên môi, “Suỵt.”
Bà Tô Mẫn tức thì im bặt, phảng phất thấy được bóng dáng Nhung Hải trên người Nhung Lê, thô bạo, quái gỡ và ác độc.
Anh đứng thẳng dậy, vẻ mặt thong dong trở lại, “Bà yên tâm ở tù đi, dù tôi không nuôi con bà, cũng không để nó chịu khổ đâu.”
Dứt lời anh quay người rời đi.
Nhung Quan Quan ngồi trên khoảng đất trống xa xa chờ bên ngoài, trông đáng thương như bị cả thế giới vứt bỏ, “Anh.”
Nhung Lê đi đến, bế cậu lên: “Về thôi.”
Nhung Quan Quan chăm chăm nhìn cửa phòng thăm nuôi thật lâu mới lưu luyến quay đầu đi: “Dạ.”
Bà Bạch Thu mẹ của Nhung Lê là một người mù, vừa sinh ra đã bị vứt trong ruộng cải dầu, may nhờ một cặp vợ chồng không có con cái nhặt về.
Năm Bạch Thu mười sáu tuổi hai vợ chồng kia lần lượt qua đời, vì bị mù nên không ai muốn cưới, nên bà gả cho Nhung Hải lớn hơn mình những mười tuổi.
Nhung Hải thích bài bạc rượu chè, và có xu hướng bạo hành.
“A Lê, A Lê.”
Bạch Thu là một người phụ nữ vô cùng dịu dàng, tên Nhung Lê là do bà đặt, mang hàm nghĩa là bình minh và hi vọng.
Nhung Lê sáu tuổi đang ngủ bị lay tỉnh, mở choàng đôi mắt hạnh xinh đẹp giống hệt Bạch Thu.
“Mẹ...”
Bạch Thu trời sinh đã mù, mắt không có thần, bà lần mò bên giường cẩn thận bế anh lên: “A Lê, ngoan, mau trốn vào tủ đi.”
Đứa bé sáu tuổi vì suy dinh dưỡng nên gầy tong teo, mặt hóp xọp, càng khiến mắt trông to hơn, “Ông ấy về à?”
Bà Bạch Thu dẫn anh, lần tìm mở cửa tủ. Bà không thấy đường, chỉ đưa tay vuốt mặt anh: “A Lê, bất kể nghe thấy âm thanh gì cũng đừng đi ra ngoài biết không?”
Thế mà đứa bé chỉ mới bao lớn lại kiên quyết không nghe theo, “Không, A Lê phải bảo vệ mẹ.”
Tai Bạch Thu rất thính, âm thanh đối phương say khướt đã càng lúc càng gần: “Nghe lời, mau vào đi con.”
“Không.”
Bà hạ quyết tâm nhét anh vào, khóa cửa tủ lại.
“Mẹ, mẹ!”
Anh gào lên trong tủ, ra sức vỗ cửa tủ.
Bạch Thu ở ngoài dỗ dành anh, bảo anh bịt miệng lại, bảo anh đừng lên tiếng, “Chờ A Lê của mẹ lớn lên... lớn lên là tốt rồi.”
Nhưng thời gian... nào có chờ anh.