Xưởng công muốn âm thầm hành động luôn bây giờ hay muốn đợi đến sáng mai?
Đường Ngọc nhất thời không đoán được suy nghĩ của xưởng công, đành lên tiếng xin chỉ thị.
“Không cần phải kinh động đến thợ thủ công của Nam Khố, trực tiếp tìm phó tổng quản và khố thừa* đến đây đi!” Uông Ấn đáp.
(*) Khố thừa: một chức quan của Nam Khố
Hắn đi suốt đêm tới Nam Khố không phải để chờ bình mình ở nơi núi sâu rừng rậm này. Đúng là bóng tối khiến rất nhiều việc đều phải tạm dừng, chính bởi thế nên cái chết của những thợ thủ công kia vẫn đang dừng ở giai đoạn hiệu quả nhất.
Hắn phải tranh thủ hết khả năng để nắm bắt được tình hình cụ thể trước khi những người ở Nam Khố kịp phản ứng lại hay xảy ra bất cứ hành động nào khác.
Cơ cấu quan viên của Nam Khố được thiết lập phỏng theo Binh Khí Giám ở Kinh Triệu nhưng không giống nhau hoàn toàn. Binh Khí Giám ở Kinh Triệu có các chức vụ: khanh, thừa, chủ bộ, lục sự. Còn ở Nam Khố, quan chủ quản được gọi là tổng quản. Tổng quản của Nam Khố tất nhiên chính là người được hoàng thượng cực kì tín nhiệm và coi trọng: Trấn Quốc Công - Ngu Đản Chi, dưới ông là hai phó tổng quản: Phương Diễn và Đổng Khôn.
Phương Diễn vốn giữ chức vụ trong Binh Khí Giám, sau đó vì phạm lỗi nên bị cách chức, đuổi ra khỏi Binh Khí Giám. Còn Đổng Khôn nhậm chức ở đạo Lĩnh Nam, vượt qua tuyển chọn kĩ càng, cuối cùng được thăng lên làm phó tổng quản Nam Khố.
Không có quan viên nào trong triều biết hai quan viên dần dần biến mất trong triều đó cuối cùng đã đến nơi này.
Trấn Quốc Công - Ngu Đản Chi là tổng quản Nam Khố, nhưng người thật sự xử lý công việc, xét duyệt quá trình sản xuất lại là hai vị phó tổng quản - Phương Diễn và Đổng Khôn.
Dưới phó tổng quản là khố thừa, chủ bộ, lục sự, vân vân...
Nếu theo cấp bậc của quan viên trong triều thì khố thừa, chủ bộ là chức quan khoảng lục phẩm, thất phẩm.
Bởi vì không thể trải qua sát hạch để thăng chức hay thứ bậc như bình thường nên các quan viên ở Nam Khố được nhận bổng lộc nhiều hơn quan viên ở Kinh Triệu rất nhiều lần.
Nam Khố là bí mật của Đại An, người có thể đảm nhận chức vụ ở đây đều đã được lựa chọn cẩn thận. Tuy họ không thể bình đẳng thăng quan tiến chức nhưng địa vị của họ trong lòng hoàng thượng lại không hề tầm thường. Họ đều hiểu rằng ân đức của đế vương dành cho họ quan trọng hơn việc thăng quan tiến chức bình thường nhiều, do đó, nếu được nhậm chức ở Nam Khố thì đều vui quên trời quên đất, dù cho nơi này gần như cách biệt với thế giới bên ngoài. Làm quan ở Nam Khố là một công việc khó khăn nhưng cũng là một công việc tốt, mấu chốt là phải vượt lên khó khăn.
Phó tổng quản Viên Khắc của Nam Khố hai năm trước, nay đã là thứ sứ Dự Châu ở đạo Hà Nội, có thể nói là tiền đồ rộng mở. Lấy Viên Khắc làm tấm gương, hầu hết quan viên của Nam Khố đều tận tụy, làm việc hết mình.
Hơn mười năm qua, mặc dù Nam Khố đã thay đổi một số quan viên nhưng vì quy trình nghiêm ngặt và mức độ bảo mật nên nơi đây vẫn luôn yên bình vô cùng, chưa xảy ra rắc rối nào.
Bắt đầu từ mùa thu năm trước, Nam Khố mới liên tục xảy ra chuyện.
Uông Ấn nghĩ thầm, đã xảy ra chuyện lớn, chắc hẳn quan viên của Nam Khố cũng sẽ khó ngủ mới đúng.
Đúng như Uông Ấn suy đoán, phần lớn các quan viên của Nam Khố đều không thể chợp mắt khi đêm về.
Trong bóng tối, Phó tổng quản Phương Diễn đang mở mắt, nghĩ tới những người thợ thủ công chết mà đầu óc rất mơ hồ.
Lúc nghe thấy thuộc hạ bẩm báo, Phương Diễn bất chấp nỗi kinh hoàng, lập tức cùng Phó tổng quản Đổng Khôn đến đó xem xét.
Tới nơi xảy ra chuyện, họ mới phát hiện ra việc tưởng chừng như... một trò đùa.
Thì ra vài người thợ thủ công già không biết vì chuyện gì mà đột nhiên nổi điên, ném đá vào một chủ bộ cho đến chết. Sau đó, tất cả mấy người đó cũng đập đầu vào tảng nham thạch ở bên cạnh, chết ngay tại chỗ.
Vụ việc ngoài ý muốn này đã lấy đi sinh mạng của tổng cộng bảy người, gồm sáu thợ thủ công và một chủ bộ.
Đột ngột chết mất bảy người, cho dù ở nơi giống một tòa thành nhỏ như Nam Khố, cho dù thợ thủ công ở đây rất đông thì vẫn là một chuyện quá khủng khiếp, khiến Phương Diễn vô cùng quẫn bách.
Nghe nói, Uông đốc chủ đang ở đạo Lĩnh Nam vì loạn bách bộ.
Việc bách hộ đại nhân đến kiểm tra bị thương đã đủ khiến Phương Diễn không dám đối mặt với Uông đốc chủ rồi, giờ lại đột nhiên chết mất nhiều người như thế này, ông ta phải ăn nói thế nào với Uông đốc chủ đây?
Nói rằng đó là một vụ va chạm không hiểu nguyên do, nói rằng đó là mấy người thợ thủ công già đột nhiên phát điên, giết chết chủ bộ sau đó tự sát sao?
Phương Diễn không có lá gan nói như thế, hơn nữa bản thân ông ta cũng chẳng tin vào điều đó, sao Uông đốc chủ tin nổi?
Song đây là tất cả những điều mà ông ta biết.
Sau khi hay chuyện, Phương Diễn tức tốc báo tin cho phủ Trấn Quốc Công, nhưng đã về đêm mà phủ Trấn Quốc Công vẫn chưa truyền tin gì tới.
Xem ra, mọi việc chỉ có thể đợi tới sáng mai….
Phương Diễn trằn trọc mãi không ngủ được, chợt cảm thấy dường như trong bóng tối có một hơi thở xa lạ.
Đang lúc ông ta định dậy kiểm tra thì đã bị ai đó điểm huyệt, cả người cứng đờ trong nháy mắt.
Phương Diễn mở to mắt, tim tức thì thắt lại, không phải bởi vì gặp phải nguy hiểm gì mà bởi vì biết người lén đến đây là ai.
Chính vì biết nên ông ta mới khiếp sợ trong lòng.
Ánh trăng sáng tỏ, Phương Diễn nhìn thấy y phục màu đỏ với họa tiết hình đầu rắn bốn cánh, là trang phục Minh Xà!
Người vừa điểm huyệt rồi dẫn ông ta đi là đề kỵ.
Trong đầu Phương Diễn lập tức lóe lên một ý nghĩ: Nếu đề kỵ đã đến và hành động thế này, điều đó có nghĩa là... Uông đốc chủ đã tới đây rồi phải không?
Sau khi được đưa đến mỏm núi phía Nam, thấy một dáng người cao ráo, gương mặt tuấn tú vô ngần, Phương Diễn liền chứng thực được suy đoán của mình.
Uông đốc chủ đã tới!