Không kể tới giọng điệu và thái độ của Ngu Đản Chi, chỉ xét đến lời nói của ông ta, Uông Ấn hết sức tán thành.
Bản thân quyền lực không phân tốt xấu, quan trọng là nó được dùng như thế nào.
Câu nói “mọi người dân đều có trách nhiệm với sự tồn vong của nước nhà” rất đúng, nhưng thật sự thì lại có khá nhiều vấn đề khi thực hiện.
Thử hỏi cho dù một người rất có năng lực, chỉ làm một quan viên bát phẩm nho nhỏ, không thể chạm đến cả rìa việc tồn vong của nước nhà thì làm sao còn có thể mưu cầu hạnh phúc cho muôn dân?
Vừa có tinh thần trách nhiệm lại vừa có quyền lực để bảo vệ tinh thần trách nhiệm ấy, mới thể hiện chí khí của một người.
Trong quá khứ, Ngu Đản Chi đã dùng sự từng trải của bản thân để minh chứng cho điều này. Phủ Trấn Quốc Công không đặt ở Kinh Triệu mà nằm ở đạo Lĩnh Nam, bởi vì trước kia ông ta là đại tướng quân của Lĩnh Nam Vệ. Có lẽ chính bởi ông ta từng trấn thủ đạo Lĩnh Nam và hiểu rất rõ nơi đây nên hoàng thượng mới chọn ông ta làm tổng quản Nam Khố.
Từ khi thiết lập Nam Khố đến nay, mùa thu hằng năm Uông Ấn đều xuôi Nam để kiểm tra, tuy không phải tiếp xúc với ông ta nhiều nhưng cũng đủ để hắn hiểu rõ cách sống của Ngu Đản Chi.
Ông ta là một người hết lòng vì Đại An, Nam Khố được giao cho ông ta, hoàng thượng yên tâm, mà người làm công việc kiểm tra Nam Khố như hắn cũng thấy cực kì yên tâm.
Tuy nhiên trong hai, ba năm nay, Uông Ấn tiếp xúc khá ít với Ngu Đản Chi. Cũng bởi tuổi tác ông ta đã cao, cộng thêm lúc còn trẻ chinh chiến trên sa trường đã mắc không ít bệnh, sau khi về già thì những vết thương tích lũy lâu năm liền bộc phát, thường xuyên đau ốm, phải nằm trên giường.
Mặc dù Ngu Đản Chi vẫn là người đứng đầu Nam Khố nhưng vì không đủ sức nên rất nhiều việc ở bên này đều do con trai ông ta là Ngu Sư Phóng toàn quyền xử lý. Ngu Sư Phóng dẫu sao cũng không phải là Ngu Đản Chi, Uông Ấn yên tâm với Ngu Đản Chi nhưng không phải Ngu Sư Phóng.
Trước tình hình đó, Uông Ấn đã từng đề xuất tìm kiếm tổng quản cho Nam Khố lần nữa với Vĩnh Chiêu Đế, nhưng việc vẫn chưa được quyết định.
Một là hoàng thượng thương xót Ngu Đản Chi, hai là thực sự không tìm được người phù hợp, chuyện cứ như vậy mà bị trì hoãn mất hai năm.
Nếu mùa thu năm ngoái Uông Ấn xuôi Nam để kiểm tra giám sát thì sẽ dâng tấu tìm tổng quản Nam Khố lần nữa. Nhưng cuối cùng hắn lại đi Mậu Lĩnh để tham gia lễ tế lớn.
Nam Khố liên tục xảy ra sự cố, Ngu Đản Chi đã biết những việc này chưa? Người làm tổng quản trên thực tế là Ngu Sư Phóng thì sao?
Trước đây, Uông Ấn sẽ đợi người của phủ Trấn Quốc Công tới rồi cùng nhau tuần tra Nam Khố để hiểu rõ tình hình hơn. Ngu Đản Chi phụ trách quản lý Nam Khố, Đề Xưởng đến giám sát vào mùa thu hằng năm, mọi người cùng báo cáo lên Vĩnh Chiêu Đế rồi đôi bên cùng thực hiện như vậy, đảm bảo mọi việc được trật tự, ngăn nắp.
Có điều, lần này...
Uông Ấn trầm lặng một lát, sau đó liền ra lệnh: “Lúc hửng sáng, hãy dừng mọi công việc và nghỉ ngơi ngày thường lại, tập trung tất cả quan viên và thợ thủ công tại thung lũng. Bổn tọa muốn đích thân tra hỏi việc này, không ai được trái lệnh!”
Các quan viên đang có mặt nghe thấy vậy thì sắc mặt đột nhiên thay đổi.
Uông Ấn nhìn thấy hết biểu cảm của bọn họ, hơi nheo mắt lại, trong đêm khuya, không khí lạnh lẽo quanh người lại càng rõ hơn.
Lần này Uống Ấn đích thân tra xét, phát hiện chuyện căn bản không phải là chết mất mấy người thợ thủ công đơn giản như vậy mà còn có nội tình!
Giống như rất nhiều nơi rừng rậm núi sâu khác, thung lũng của Lĩnh Nam thường có khe suối, là một khu vực tương đối rộng lớn. Nhất là thung lũng xây dựng Nam Khố, trải qua hơn mười năm san phẳng và mở rộng, nó càng trở nên vô cùng mênh mông.
Nếu bỏ qua những căn nhà ngay ngắn của Tư Luyện Kim, Tư Khoáng Sản thì nơi này chính là một sa trường khổng lồ. Đỉnh của thung lũng có một đài cao do đề kỵ tạm thời dựng lên, được tạo thành bởi những tảng nham thạch xếp chồng lên nhau.
Bấy giờ, hàng trăm đề kỵ đang đứng xung quanh đài, tất cả đều mặc trang phục Minh Xà màu đỏ, tay cầm trường đao Thất Tinh, người nào người nấy mang vẻ mặt lạnh lùng oai nghiêm, toàn thân toát ra khí thế lạnh thấu xương. Khí thế đó ẩn chứa sức mạnh đáng sợ khó tả, khiến các quan viên và thợ thủ công có mặt tại đây đều vô thức nín thở, tập trung, không dám phát ra một tiếng động nhỏ nào.
Uông Ấn đang đứng trên đài, chắp hai tay sau lưng, hơi rũ mắt, vẻ mặt vô cảm. Hắn hờ hững liếc nhìn xuống đám người đông đúc trong thung lũng rồi lên tiếng: “Bổn tọa là đốc chủ Đề Xưởng, là quan giám sát và kiểm tra Nam Khố. Nay bổn tọa đến để điều tra rõ về cái chết của các thợ thủ công...”
Giọng hắn rất lạnh nhạt, nhưng vì là người tập võ nên âm vang mạnh mẽ mà đầy sức thuyết phục, lại thêm ở nơi thung lũng vốn tạo tiếng vọng tự nhiên nên những lời hắn nói truyền rõ tới tai từng người có mặt tại đây.
Uông Ấn thêm nội lực vào giọng nói để tăng uy thế và sự khiếp sợ nên nhóm người cảm thấy như tiếng sấm vang bên tai, một số người già yếu còn bị đảo lộn khí huyết, muốn nôn ra đến nơi.
Hắn dứt lời, thung lũng vốn yên tĩnh lại càng tĩnh lặng, ngoài tiếng gió rít trong núi ra, dường như không còn âm thanh nào khác. Tất cả mọi người đang tập trung tại thung lũng, bao gồm đám quan viên như Phương Diễn đều thất thần nhìn lên người đang đứng trên đài cao. Tuy sống ở nơi tách biệt với thế giới bên ngoài và bị quản thúc chặt chẽ thì trước khi vào làm ở Nam Khố, phần lớn trong số họ là thợ thủ công của Tư Binh Khí hoặc của địa phương khá nên đương nhiên vẫn nghe nói đến uy danh đáng sợ của Đề Xưởng. Bây giờ nhận ra nhân vật trên đài cao chính là đốc chủ Đề Xưởng, được tận mắt nhìn thấy nhân vật trong truyền thuyết đó, mặt ai nấy cũng biến sắc.