Ngu Đản Chi chưa kịp phản ứng thì quan trường sử của phủ Trấn Quốc Công đã không nhịn nổi. Y chướng mắt với sự ngang tàng của Uông Ấn, cho dù Uông Ấn có là đốc chủ của Đề Xưởng khiến ai nấy đều sợ hãi thì cũng vậy.
Y bước lên, nói với giọng điệu châm chọc: “Đốc chủ đại nhân, khẩu khí thật lớn…”
Chữ “lớn” mới nói ra được một nửa, giống như bị một bàn tay vô hình đẩy mạnh một phát, y bắn về phía sau, cho đến khi đập ngã mấy cái ghế, cuối cùng cả người đập vào vách tường.
Y trượt xuống dọc bức tường, khóe miệng trào máu tươi, bất tỉnh nhân sự. Tên trường sử này đã gặp phải tình cảnh giống như Phùng Trân của bộ lạc Lý trước đây, bị Uông Ấn quét một chưởng gió, và kết cục của y thê thảm hơn Phùng Trân nhiều.
Còn Uông Ấn buông thõng hai tay đang chắp sau lưng xuống, vẻ mặt vẫn ung dung, thản nhiên nói: “Ngu tổng quản, người bổn tọa muốn dẫn đi, không ai có thể ngăn được đâu.”
Ngu Đản Chi bàng hoàng. Ông ta không thấy rõ Uông Ấn đã ra tay như thế nào. Bây giờ ông ta đã hoàn toàn tin những lời Uông Ấn vừa nói. Một mình hắn có thể địch lại hơn trăm binh sĩ tinh nhuệ trong phủ. Cộng thêm hơn một trăm đề kỵ chuyên giết người, ông ta quả thật không thể ngăn được hành động của Uông Ấn.
Ngu Sư Phóng đúng là đã bị thương, đề kỵ cũng không làm khó hắn. Mặc dù không chu đáo tìm cáng khiêng hắn nhưng lại dìu hắn đi ra.
Tinh thần Ngu Sư Phóng suy sụp hoàn toàn, hắn sợ hãi hét lên: “Cha ơi, cha, a cha, a cha cứu con, cứu con với…”
Lúc nhìn thấy đề kỵ, Ngu Sư Phóng suýt nhảy dựng lên.
Y phục Minh Xà đỏ rực như máu tươi nồng đậm khiến Ngu Sư Phóng cảm thấy dường như mùi máu tanh chết chóc đã đến gần, làm hắn cảm thấy cả người như bị nướng cháy.
Đề kỵ, sao đề kỵ lại xuất hiện trong phủ Trấn Quốc Công?
Ngu Sư Phóng sợ hãi đến nhũn cả người, quên cả giãy giụa, cứ thế ngơ ngác để đề kỵ dẫn ra khỏi nội trạch.
Cho đến khi tới tiền sảnh nhìn thấy cha mình, hắn mới lấy lại lý trí, liên tục giãy giụa kêu gào: “Cha, cha ơi… mau ngăn đề kỵ lại, ngăn đề kỵ lại mau!”
Trước đó, chẳng phải cha hắn đã nói sẽ để Hứa Châu chịu tội thay hắn, hắn sẽ không có chuyện gì sao?
Nhưng tại sao đề kỵ còn tới đây? Và còn dám dẫn hắn đi?
Đề kỵ sẽ làm gì hắn? Những hình phạt đáng sợ trong Đề Xưởng, nào là bào cách, nào là nhục hình*, liệu có dùng trên người hắn không?
(*) - Bào cách: Một kiểu tra tấn thời xưa, dùng sắt nung đỏ để đốt da người.
- Nhục hình: Kiểu tra tấn hủy hoại cơ thể con người
Ngu Sư Phóng suy nghĩ lung tung, sắc mặt tái mét, cảm thấy xương sườn ở lồng ngực bị đạp gãy lại đau dữ dội. Nếu không phải có đề kỵ đỡ thì hắn đã sớm ngã xuống đất.
Từ trước tới giờ hắn luôn được người ta nâng niu, tán tụng, làm bất cứ việc gì cũng không cần phải dốc sức, nào có trải qua tình cảnh thế này?
Sau khi Nam Khố xảy ra chuyện, người cha luôn cưng chiều hắn lại đạp gãy xương sườn của hắn, đề kỵ còn dám dẫn hắn đi. Trong mắt Ngu Sư Phóng hiện rõ sự sợ hãi cực độ, đôi mắt sưng đỏ, hoảng hốt đến nỗi bất giác trào nước mắt. Lúc này, hắn thật sự hối hận và sợ hãi khôn tả, không biết sau khi bị dẫn đi, bản thân sẽ gặp phải điều gì…
“Phóng nhi, đừng sợ! Uông đốc chủ chỉ dẫn con đi để hỏi vài câu mà thôi. Con không phải tội phạm, Uông đốc chủ sẽ không làm gì con! Đúng không Uông đốc chủ?” Ngu Đản Chi nhướng mày, cố gắng bình tĩnh nói.
Uông Ấn khẽ gật đầu, không nói gì.
Hắn sẽ không làm gì, nhưng đề kỵ sẽ làm gì thì hắn không biết được.
Nghe Ngu Đản Chi nói xong, Ngu Sư Phóng chẳng những không yên tâm mà còn hoảng loạn hơn. Nếu không phải vì lồng ngực đau dữ dội thì Ngu Sư Phóng sẽ nhào tới ôm chân lấy chân cha mình mà khóc lóc kêu gào.
Ngu Đản Chỉ cắn răng, đi tới vỗ vai Ngu Sư Phóng và nói: “Phóng nhi, con yên tâm, cha sẽ cùng con đi một chuyến với Uông đốc chủ. Con không làm gì thì không ai có thể chặt đầu con hết!”
Chỉ trong chốc lát ngắn ngủi, Ngu Đản Chi nghĩ đến rất nhiều thứ.
Ông ta biết rõ tính nết của con trai mình. Mặc dù Ngu Sư Phóng rất to gan nhưng chưa chịu khổ bao giờ. Đối mặt với sự thẩm vấn của đề kỵ, chắc chắn Ngu Sư Phóng sẽ không chống đỡ nổi. Nhưng… ông ta không thể ngăn Uông Ấn dẫn Ngu Sư Phóng đi, cũng không có cách nào trơ mắt nhìn Ngu Sư Phóng bị Uông Ấn dẫn đi. Để bảo vệ đứa con trai duy nhất này của mình, ông ta chỉ có thể đi cùng hắn. Ông ta không tin có ông ta ở bên cạnh mà Uông Ấn vẫn dám dụng hình phạt với Ngu Sư Phóng! Chỉ cần Ngu Sư Phóng cầm cự được vài ngày, chỉ cần chỉ dụ của hoàng thượng được đưa tới… thì cho dù là Uông Ấn cũng không thể làm gì được họ!
Uông Ấn nghe Ngu Đản Chi nói muốn đi cùng, chỉ nhếch môi đáp: “Ngu tổng quản có thể đi cùng, thật không còn gì tốt bằng. Vừa hay bổn tọa cũng có vài nghi vấn phiền Ngu tổng quản giải đáp cho.”
Nếu Ngu Đản Chi không nói những lời đó còn đỡ, Uông Ấn còn có thể niệm tình ông ta trước kia đã lập được nhiều công lao mà tha cho ông ta. Nếu ông ta đã nói vậy thì đưa hai cha con họ cùng đi luôn. Nói sao thì tổng quản Nam Khố vẫn là Ngu Đản Chi, tuyệt đối không thể bỏ sót việc tra hỏi người này, đúng không?
Khi rời khỏi phủ Trấn Quốc Công, Ngu Đản Chi đã nghĩ rất hay, rằng có ông ta đi cùng, chắc chắn Uông Ấn và đề kỵ sẽ không dám làm gì con trai ông ta. Tuy nhiên, sau khi bị dẫn đi, ông ta mới nhận ra mình đã nghĩ quá ngây thơ.
Uông Ấn chẳng những nhốt con trai ông ta vào nhà lao Thiều Châu để thẩm vấn, mà ngay cả chính ông ta cũng bị nhốt vào đó.
Ông ta đường đường là Trấn Quốc Công, là công thần nhất phẩm trong triều, vậy mà một đốc chủ Đề Xưởng chức quan tam phẩm như Uông Ấn lại dám nhốt ông ta vào ngục! Sao Uông Ấn dám, sao hắn dám làm điều đó! Ức hiếp người quá đáng! Ức hiếp người quá đáng!