“Sau khi bổn tọa hồi kinh cũng phải chịu trừng phạt vì đã không tận sức trong việc kiểm tra giám sát. Ngu tổng quản quản lý Nam Khố thì sao có thể nằm ngoài việc này cho được?”
“Còn thể diện của phủ Trấn Quốc Công… Ha, bổn tọa cho rằng, thể diện không phải người ngoài có thể làm nhục, mà do chính bản thân không cần nó, nên người khác mới có cơ hội chà đạp. Nếu Ngu tổng quản thật sự coi trọng thể diện thì sẽ không làm mọi cách để che giấu. Quan tướng quân đặt tay lên ngực tự hỏi chính mình xem, Ngu tổng quản thật sự không hề biết gì về tất cả những chuyện này sao?”
Mỗi câu Uông Ấn nói làm vẻ mặt Quan Hàn Tùng càng thay đổi hơn, cuối cùng biến thành chán nản. Cần gì phải đặt tay lên ngực tự hỏi? Ông ta chỉ nhìn thoáng qua là biết Ngu lão tướng quân biết rõ chuyện này. Nếu lão tướng quân đã biết vậy thì bị giam vào ngục Thiều Châu cũng là điều hợp tình hợp lý. Quan Hàn Tùng im lặng, đến giờ phút này ông ta không biết bản thân còn có thể nói gì nữa.
Uông Ấn hờ hững lên tiếng kết thúc câu chuyện: “Mệnh lệnh của hoàng thượng cũng sắp đến, Quan tướng quân chờ thêm vài ngày nữa là được.”
Hoàng thượng sẽ xử lý đám quan viên Ngu Đản Chi thế nào? Mệnh lệnh chưa đến, Uông Ấn khó xác định được.
Trong điện Tử Thần, Vĩnh Chiêu Đế để thư của Ngu Đản Chi xuống rồi thở dài thườn thượt. Sau khi Uông Ấn đến Nam Khố, Vĩnh Chiêu Đế càng chú ý sát sao tới tình hình nơi đó hơn.
Nam Khố có liên quan đến sự hùng mạnh của quân đội, ông ta không thể không lo lắng. Nhưng ông ta không ngờ Nam Khố lại xảy ra chuyện động trời này. Mà mấu chốt của tất cả những việc đó đều nằm ở phủ Trấn Quốc Công, ở con trai của Ngu Đản Chi - Ngu Sư Phóng.
Trong thư, Ngu Đản Chi nói vì mình tuổi già, con trai nhất thời hồ đồ, tin tưởng và nghe lời xúi giục của anh họ của hắn và đám quan viên nên mới gây ra sai lầm lớn như thế, xin hoàng thượng trách phạt.
Để bồi tội, Ngu Đản Chi từ chức tổng quản Nam Khố, hơn thế còn nói thẳng rằng phủ Trấn Quốc Công sẽ không lãng phí bổng lộc của triều đình, sẽ giải tán hơn một nghìn binh lính tinh nhuệ trong phủ và tự xin giáng tước vị, dù hoàng thượng tước đi tước vị Trấn Quốc Công cũng không oán trách… Ngu Đản Chi nói nhiều như thế chỉ có một thỉnh cầu. Thỉnh cầu Vĩnh Chiêu Đế vì công lao trước kia của phủ Trấn Quốc Công mà tha mạng cho Ngu Sư Phóng.
Thậm chí, sau cùng Ngu Đản Chi còn nói: Ông ta chết cũng không tiếc, cho dù ngày mai đột ngột qua đời, ông ta cũng chỉ cần con trai mình có thể sống sót, là đã muôn lần cảm tạ hoàng thượng rồi.
Ngu Đản Chi tự nguyện lấy mạng mình để đổi lấy mạng của con trai, đây là lựa chọn của ông ta. Tuy trong thư không viết rõ nhưng trong từng lời của Ngu Đản Chi đã thẳng thắn thành khẩn về vụ việc của Nam Khố có liên quan tới con trai ông ta. Việc Ngu Đản Chi không hề che giấu chuyện ở Nam Khố coi như đã làm Vĩnh Chiêu Đế hài lòng.
Nhưng Nam Khố xảy ra chuyện động trời, bất luận Ngu Đản Chi cầu xin thế nào thì là vua của một nước, tất cả những gì Vĩnh Chiêu Đế suy nghĩ cũng đều vì tương lai phồn vinh của quốc gia.
Có công thì thưởng, có tội thì phạt, vì thế đất nước mới có thể yên ổn. Chuyện lớn ở Nam Khố, ắt phải khai đao với phủ Trấn Quốc Công…
Bấy giờ, một giọng nói mang theo hơi lạnh vang lên trong điện Tử Thần. Giọng nói này giống như tiếng thủy tinh va chạm, cực kì dễ nghe, cũng khiến người ta tỉnh táo hơn nhiều: “Sao hoàng thượng lại thở dài? Là gặp phải chuyện khó gì sao?”
Giọng nói mặc dù nghe rất mát lạnh, vóc dáng của người nói cũng rất nhỏ nhắn, nhưng khóe mắt đã có nếp nhăn, hiển nhiên cũng đã lớn tuổi. Hơn nữa vẻ lạnh lùng và bình tĩnh trên gương mặt bà ta giống như sẽ không bận tâm chuyện trần tục. Lúc này cho dù bà ta hỏi Vĩnh Chiêu Đế với lời lẽ quan tâm thì trên mặt cũng không có vẻ quan tâm là bao.
“Thư Trấn Quốc Công gửi đến, Ngu Đản Chi hồ đồ rồi. Ái phi xem đi…” Vĩnh Chiêu Đế nói rồi đưa bức thư trong tay cho vị phi tử này.
Bà ta vâng lời nhận lấy bức thư, xem xong mới nói: “Hoàng thượng, tình thương của Quốc Công gia dành cho con trai, nhìn là thấy được.”
Vĩnh Chiêu Đế gật đầu, câu này nói rất đúng, Ngu Đản Chi tuy rằng hồ đồ, nhưng tình thương của ông ta dành cho con trai rõ ràng là sự thật. Có điều, trong tình thương này lại ẩn chứa sự hổ thẹn và hối hận khôn tả khiến người ta cảm thấy đau buồn.
“Hoàng thượng, thần thiếp nhớ Quốc Công gia chỉ có một người con trai thì phải? Có lẽ Quốc Công gia cũng khó xử, cả đời ông ta không hổ thẹn, nhưng lại có một người con trai như vậy.” Vị phi tần nói.
Vĩnh Chiêu Đế im lặng, chính bởi Ngu Đản Chi chỉ có một người con trai nên ông mới hết sức tin tưởng và trọng dụng. Đâu ngờ con trai của Ngu Đản Chi lại to gan lớn mật như thế?
Vĩnh Chiêu Đế đặt thư của Ngu Đản Chi xuống, cầm tấu chương của Uông Ấn lên. Sau khi đọc được vụ án tham ô ở Nam Khố được Uông Ấn thuật lại trong tấu chương, trên mặt ông ta bừng lên sự tức giận.
Đúng thế, Ngu Đản Chi thương con trai vô cùng, nhưng Nam Khố là nơi quan trọng của Đại An. Ngu Đản Chi vì bảo vệ con trai, nhưng thực tế chính là đã làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, sao ông ta có thể đồng tình với tình thương đó được?
Lúc này, vị phi tử nói tiếp: “Hoàng thượng, Quốc Công gia tuổi tác đã cao, năng lực có hạn cũng là chuyện thường tình. Nếu Quốc Công gia nguyện hi sinh tất cả cũng phải giữ được tính mạng con trai mình, vậy thì thần thiếp nghĩ, hay là cho Quốc Công gia toại nguyện đi. Ông ta đã làm rất nhiều điều vì nước nhà, dùng những công trạng này để đổi lấy một mạng người cũng không quá đáng. Vả lại, nếu hoàng thượng xử phạt ông ta, chẳng phải là nói thẳng với mọi người về sự tồn tại của Nam Khố sao?”
Vĩnh Chiêu đế trầm ngâm, sau đó nói: “Đề Xưởng sẽ dẹp yên vụ này, sẽ không để cho các quan lại trong triều suy đoán nhiều đâu.”
Có rất nhiều cách cũng như có rất nhiều lý do để xử trí Ngu Đản Chi, muốn che giấu sự tồn tại của Nam Khố cũng là một việc rất dễ dàng với Đề Xưởng. Những điều ái phi của ông ta nói đều không đáng lo.