Bấy giờ Diệp Tuy đã bình tĩnh lại, nàng nói: “Nhị bá, chuyện này cháu đã biết, để bá phải vất vả rồi. Bà nội tạ thế, trước tiên phải thông báo cho cha cháu. Còn những việc khác chúng cháu sẽ theo sát. Xin Nhị bá và Nhị bá nương cứ yên tâm!”
Kế thị đã mất, như vậy cha nàng nhất định phải từ đạo Hà Đông trở về gấp để chịu tang, còn anh trai nàng cũng phải rút lui khỏi Nghi Loan Vệ. Tiếp đó, cha và anh trai nàng còn phải đối mặt với đủ các vấn đề như để tang ba năm giữ đạo hiếu. Những việc này có ảnh hưởng rất lớn lao đến cha và anh trai nàng.
Đó đều là những bước tiếp theo, quan trọng nhất bây giờ là nguyên nhân cái chết của Chu thị và Kế thị.
Kế thị thừa nhận đã sát hại Chu thị, cuối cùng sợ tội tự sát. Chuyện thật sự là như thế sao?
Diệp Tuy sẽ không tin điều này, nhưng những người khác ở Kinh Triệu lại không nghĩ vậy.
Nhà họ Diệp liên tục có hai đám tang, người chết còn là phu nhân của Đại phòng và lão phu nhân. Sau khi được phu nhân Vương thị của viên ngoại lang Hình Bộ và rất nhiều các vị phu nhân thổi phồng thì đây đã không còn là chuyện mà nhà họ Diệp có thể bưng bít được nữa.
Chẳng mấy chốc, trong vòng tròn giao thiệp của các phu nhân nhà quan viên tại Kinh Triệu, vào những lúc nói chuyện phiếm, cái chết của Chu thị và Kế thị đã được mang ra tranh luận sôi nổi.
Có điều, từ trước đến nay, trọng tâm trong những câu chuyện của các phu nhân nội trạch không nằm ở hai mạng người nhà họ Diệp, mà nằm ở những việc xấu xa ở nội trạch.
Dưới sự quan tâm và bàn luận của các vị phu nhân nhà quan viên, những chuyện cũ năm xưa của nhà họ Diệp đã bị lật ra không bỏ sót chi tiết nào.
Ví dụ như Kế thị là vợ kế của Diệp Cư Tiêu. Mà theo quan điểm của các vị phu nhân này thì từ xưa tới nay, đã là vợ kế thì có mấy ai là người tốt. Mà nghe đâu, chuyện Diệp nhị gia của nhà họ Diệp bị mù một mắt có liên quan đến lão phu nhân Kế thị.
Còn Đại phu nhân của nhà họ Diệp xuất thân từ phủ Trường Hưng Hầu thì không được người mẹ kế này thích cho nên mới bị đầu độc vô cùng nghiêm trọng.
Trước nay Diệp Tuy không để ý đến những lời đồn thổi này. Nhưng những tin đồn đó càng đồn càng gây xôn xao, không biết thế nào mà đã kéo cả mẹ nàng vào.
Lúc đầu, theo điều tra của quan viên Hình Bộ, họ luôn cảm thấy với tính tình của Kế thị, quả thật không lý giải được việc bà giết Chu thị.
Nếu Kế thị đã sợ tội mà tự sát thì tại sao trước đây lại đầu độc hại chết Chu thị?
Bấy giờ, những chuyện Đào thị đã giày vò Chu thị khi Đào thị vẫn còn quản việc nhà ở nhà họ Diệp đều bị người ta mang ra nói một cách sinh động như thật.
Ví như Đào thị đã sai gia nhân giám sát chặt chẽ Chu thị, ví như nghiêm cấm Chu thị gặp người khác bao gồm cả các con ruột của bà ta.
Quan trọng hơn, trong quá trình điều tra của quan viên Hình Bộ, họ đã phát hiện ra Đào thị đang ở đạo Hà Đông vẫn thường xuyên gửi vật phẩm cho Kế thị.
Mối quan hệ giữa Đào thị và Kế thị hết sức thân thiết, thân thiết tới mức hầu như là tháng nào cũng có một phong thư. Quan trọng hơn, bên trong những thứ mà Đào thị gửi cho Kế thị có khá nhiều dược liệu.
Về phần những dược liệu đó là gì thì không ai biết được.
Tuy nhiên, đại phu của Từ Tế Đường đã nói ra một chuyện, đó là vị thuốc Chu Tinh Tử kị với những dược liệu trong thuốc của Chu thị chủ yếu chỉ có ở Hà Đông trong mấy năm gần đây.
Nếu các hiệu thuốc không ghi chép về người mua thuốc, không ghi chép lại việc Diệp lão phu nhân mua thuốc, vậy thì những dược liệu Chu Tinh Tử này từ đâu mà có?
Hoàn toàn có khả năng là từ đạo Hà Đông gửi về.
Vì thế, sự việc đã rõ ràng. Nếu thật sự là Kế thị đã đầu độc làm hại Chu thị thì con dâu Đào thị của bà chắc chắn không tránh khỏi có liên quan đến kế hoạch đó.
Diệp An Thế là con trai duy nhất của Kế thị, Đào thị là con dâu duy nhất của bà. Mối quan hệ như này cũng đã trở thành một trong những bằng chứng xác thực.
Tin tức về việc Kế thị và Đào thị giết hại người thân bỗng chốc hết sức xôn xao.
Các vị phu nhân nhà quan viên ở Kinh Triệu nghe thấy những tin tức này thì không tránh khỏi tình trạng bắt đầu thảo luận về cách đối nhân xử thế của Đào thị. Trong ấn tượng trước kia của họ, Đào thị không nổi tiếng ở Kinh Triệu, thậm chí không có mấy người có ấn tượng sâu sắc về bà, ngoài những vị phu nhân hay qua lại với bà, cảm thấy bà đoan trang hiền thục ra, thì những người khác có thể nói là không biết nhiều về bà.
Tuy không ấn tượng nhiều về Đào thị nhưng họ đều biết bà sinh được hai người con gái vượt trội. Một người là Thuần quý tần ở trong cung, người còn lại là Đốc chủ phu nhân tiếng tăm lừng lẫy.
Những tin đồn kiểu này cũng đã truyền vào trong cung, truyền đến tai các phi tần trong hậu cung.
Vào thời điểm thỉnh an ở cung Khôn Ninh, Mẫn phi trẻ tuổi xinh đẹp không kìm được đã nói: “Dân gian có câu ‘mẹ nào con nấy’. Hiện tại Tam phu nhân của nhà họ Diệp dường như đã bị cuốn vào án mạng giết người. Vậy có phải là…”
Mẫn phi dừng lời, nhưng lại đưa mắt nhìn sang Thuần quý tần. Không cần nàng ta nói hết câu, mọi người đều hiểu ý trong những lời đó.
Từ sau khi Thuần quý tần đề xuất cứu tế cho dân nghèo rồi có được tiếng thơm, Mẫn phi đã cảm nhận được một mối đe dọa, chỉ hận không thể giẫm đạp lên Thuần quý tần ở khắp mọi nơi. Nay nhà mẹ đẻ của Thuần quý tần đã xảy ra chuyện, đương nhiên là Mẫn phi sẽ tóm lấy việc này không buông. Theo Mẫn phi thấy thì đây chính là nhược điểm của Thuần quý tần.
Tuy rằng hiện tại Hình Bộ vẫn chưa có kết luận, nhưng “nọc người bằng mười nọc rắn”, những tin đồn như vậy đủ để hủy hoại thanh danh của một người phụ nữ, cũng sẽ khiến cho tiếng thơm của Thuần quý tần có vết nhơ.
Mẫn phi cảm thấy rất thích thú với tất cả những điều này.
Đáng tiếc là sắc mặt Thuần quý tần tần lãnh đạm như thể không nghe thấy những lời đó, vẫn là dáng vẻ trầm tĩnh kiệm lợi như xưa.
Mẫn phi nhìn thấy Thuần quý tần như vậy thì trong lòng càng tức giận hơn, nàng ta bèn nói tiếp: “Quả nhiên là lòng người khó dò. Có điều, không biết người phụ nữ ác độc đến mức nào mới có thể làm được chuyện giết hại người thân này. Nếu bổn cung có người mẹ như thế thì e rằng sẽ đập đầu chết cho rồi, chứ không để bản thân xấu hổ.”